|

Hoạt động ngành

Kết quả thực hiện nhiệm vụ Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2021

Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh Covid-19, cùng với thời tiết diễn biến bất thường, hạn hán xuất hiện sớm, sạt lở diễn ra thường xuyên ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân An Giang, năm 2021 được đánh giá là năm triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện khó khăn và thách thức nhất từ trước đến nay. Nhưng với sự năng động, quyết tâm của lãnh đạo Sở cùng với sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể công chức, viên chức và người lao động toàn ngành; sự lãnh, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và chỉ đạo về chuyên môn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm trong từng lĩnh vực, sâu sát cụ thể đến từng địa bàn, từng đối tượng; đặc biệt có các khâu đột phá về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động; đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng đội ngũ cán bộ của ngành vững mạnh. Đồng thời, có nhiều giải pháp huy động các nguồn lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2021, bên cạnh đó cũng kịp thời đảm bảo công tác an sinh xã hội đối với người dân bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19. Kết quả đạt được đáng phấn khởi, cụ thể sau:

- Tham mưu HĐND tỉnh ban hành 02 Nghị quyết và UBND tỉnh ban hành 44 văn bản chỉ đạo, điều hành để cụ thể hóa các quy định của Đảng, Nhà nước, kịp thời tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ thông suốt, đồng bộ.

 - Hỗ trợ đào tạo nghề trên 4.730 người với số tiền trên 5.420 triệu đồng (hỗ trợ học nghề khoảng 2.289 lượt lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đào tạo nghề lao động nông thôn khoảng 2.071 học viên, đào tạo nghề trình độ ngắn hạn theo đơn đặt hàng khoảng 140 học viên, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho 219 lao động). Toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp 13.225 người, đạt 107% chỉ tiêu Nghị quyết.

- Đã phê duyệt hỗ trợ cho 300.603 người lao động (trong đó 209.589 lao động tự do), 7.681 hộ kinh doanh, với số tiền là 446,903 tỷ đồng; đã thực hiện hỗ trợ 255.558 người (trong đó 185.456 lao động tự do), 1.662 hộ kinh doanh, với số tiền 324,108 tỷ đồng theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021, Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

- Đưa khoảng 237 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (chủ yếu thị trường Nhật Bản và Đài Loan). Đã giải quyết 12.040 người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền chi trả 182.613 triệu đồng. Tăng cường phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thông qua tổ chức các Phiên giao dịch việc làm trực tuyến giữa các tỉnh này với các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam giúp kết nối người lao động và doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí, khôi phục sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi thị trường lao động.

- Thực hiện đúng, đủ, kịp thời, công bằng chế độ ưu đãi đối với trên 40.000 người có công (NCC) với cách mạng và thân nhân, người tham gia kháng chiến. Trợ cấp mai táng phí trên 1.000 đối tượng thuộc nhóm cựu chiến binh với số tiền gần 12 tỷ đồng và các chế độ ưu đãi khác. Trợ cấp tết Nguyên đán của Chủ tịch nước và Chủ tịch UBND tỉnh đối với 31.288 NCC và thân nhân với số tiền trên 25 tỷ đồng. Trợ cấp quà 27/7 của Chủ tịch nước và Chủ tịch UBND tỉnh cho 26.509 người với số tiền trên 11 tỷ đồng; các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp trong tỉnh đã tổ chức thăm tặng quà trên 4.600 NCC với gần 2,3 tỷ đồng. Tổ chức thực hiện điều dưỡng phục hồi sức khỏe gần 3.200 NCC và thân nhân với kinh phí trên 3,66 tỷ đồng. Toàn tỉnh vận động quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” trên 4.180 triệu đồng, đạt 104,5% kế hoạch, hỗ trợ xây mới và sửa chữa 37 căn nhà tình nghĩa với số tiền trên 1.280 triệu đồng. Giải quyết di chuyển 13 hài cốt liệt sĩ về quê nhà.

- Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,90% xuống còn dưới 1%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh. Trong năm, phối hợp UBND cấp huyện triển khai xây dựng hỗ trợ 10 căn nhà tình nghĩa, tình thương do Tổng Công ty Điện lực miền Nam tài trợ với kinh phí trên 500 triệu đồng. Toàn tỉnh thực hiện trợ giúp thường xuyên tại cộng đồng trên 92.501 đối tượng; 100% đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp hàng tháng được cấp thẻ bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh miễn phí. Tổ chức chi trả trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng và mai táng phí cho 1.035.410 lượt đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng. Trợ giúp đột xuất cho 305 hộ gia đình bị thiệt hại do hỏa hoạn, mưa giông, sạt lở..., kinh phí trên 15 tỷ đồng. Trợ giúp xã hội trong dịp Tết Nguyên đán cho 152.015 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn và hộ có đối tượng bảo trợ xã hội sống tại cộng đồng với tổng số trên 69 tỷ đồng. Tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ 3.362,280 tấn gạo từ nguồn dự trữ Quốc gia cho 224.152 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và người có hoàn cảnh khó khăn khác do ảnh hưởng dịch Covid-19. 

- Tổ chức thăm tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, Quốc tế thiếu nhi và Tết Trung thu cho hơn 45.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với tổng kinh phí trên 14 tỷ. Duy trì 110 xã, phường, thị trấn đã được công nhận đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em; 56/156 xã, phường, thị trấn được lồng ghép triển khai thí điểm mô hình Ngôi nhà an toàn phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em; 11/11 huyện, thị xã, thành phố và 61/156 xã, phường, thị trấn được triển khai mô hình hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng, 76 Câu lạc bộ trẻ em; phối hợp triển khai 13 điểm tư vấn tại trường học. Hỗ trợ 03 lồng bơi di động cho 03 huyện với tổng kinh phí 126 triệu đồng. Trợ cấp khó khăn cho 14 trẻ bị xâm hại, bạo lực với số tiền 21,127 triệu đồng 

- Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã vận động và tiếp nhận số tiền 5.862 triệu đồng, đạt 145% kế hoạch đề ra. Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em và mua bán người tại tỉnh An Giang (111) tiếp nhận trên 6.737 cuộc gọi. Đặc biệt, hướng dẫn các địa phương chi hỗ trợ 187 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hộ nghèo, hộ cận nghèo bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với số tiền 187 triệu đồng. Tiếp nhận hồ sơ hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng Covid-19: 148 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ, 04 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ (mỗi trẻ 5.000.000 đồng); 08 trẻ là con của sản phụ bị nhiễm Covid-19 (mỗi trẻ 1.000.000 đồng). Số trẻ đã cấp hỗ trợ 109/160 trẻ với số tiền 521.000.000 đồng từ nguồn vận động của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam hỗ trợ.

- Tiếp tục duy trì các mô hình “Ngăn ngừa giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới”; nhân rộng thêm 08 địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh ở các xã nông thôn mới, có tổng số 62 mô hình địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh trên địa bàn.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình phòng chống mại dâm; cai nghiện và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện; tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Chủ động triển khai thực hiện Kế hoạch số 210/KH-UBND ngày 22/4/2021 của UBND tỉnh về công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Tổ chức tiếp nhận và hỗ trợ cho 06 nạn nhân 9 phần quà với tổng số tiền 3 triệu đồng bị mua bán từ Campuchia trở về. Tổ chức các lớp tập huấn lồng ghép nội dung pháp luật xử lý vi phạm hành chính, công tác phòng chống tệ nạn xã hội năm 2021, Luật Phòng chống ma túy năm 2021 cho 186 cán bộ cấp huyện, xã và Cơ sở cai nghiện ma túy; lắp đặt pano, cấp phát tờ bướm với nội dung tuyên truyền phòng chống ma túy, mại dâm...

- Tham mưu UBND tỉnh ban hành 13 Quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính, quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết và phạm vi quản lý nhà nước của Sở. Tiếp nhận hồ sơ yêu cầu và giải quyết thủ tục hành chính với tổng số 1.475/1.520 hồ sơ. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ trước hạn, đúng hạn là 100%. Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý các phản ánh kiến nghị của công dân. Đã tiếp nhận và trả lời kịp thời, đúng thời hạn 21/21 câu hỏi liên quan các chính sách, hồ sơ thủ tục hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

- Thực hiện tốt việc số hóa, luân chuyển, xử lý văn bản trên phần mềm Quản lý văn bản, chỉ đạo điều hành VNPT-iOffice theo quy trình khép kín và qua môi trường mạng với 9.661 văn bản đến, 4.739 văn bản đi; tỷ lệ văn bản đi, đến được xử lý trên phần mềm đạt 100%. Sở đã điều chỉnh, nâng cấp, thiết kế các mục, chuyên mục cho Cổng thông tin điện tử đảm bảo thực hiện đúng, đủ theo quy định, trong năm đã đăng 110 tin, bài trên Cổng thông tin điện tử Sở.

Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, trong thời gian qua, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và nguy cơ đứt gãy các chuỗi cung ứng sản xuất, qua đó tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách của cả nước nói chung và An Giang nói riêng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dự báo sẽ còn ảnh hưởng sang năm 2022 và các năm tiếp theo. Tình hình thời tiết, thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập và đời sống người dân. Bên cạnh đó, tình trạng phân hóa xã hội, già hóa dân số, đối tượng có nhu cầu trợ giúp xã hội ngày càng tăng nhanh... đặt ra cho ngành nhiều nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi phải tiếp tục nổ lực, quyết tâm cao.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Sở  tập trung xác định đúng mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và đề ra các giải pháp cụ thể, thiết thực ngay từ đầu năm 2022, để phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, cụ thể: Thực hiện tốt mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, các hoạt động bảo trợ, trợ giúp xã hội; quan tâm thực hiện tốt chính sách NCC cách mạng, nâng cao mức sống của hộ NCC cách mạng ngang bằng với mức sống trung bình theo quy định; nâng chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với giải quyết việc làm; thúc đẩy tạo chuyển biến tích cực về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và quyền trẻ em; phòng chống tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy; tiếp tục triển khai thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh; tích cực đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy cải cách hành chính đạt hiệu quả; xây dựng và củng cố, giữ vững cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực chuyên môn và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; phát động toàn hệ thống: giảm thủ tục, đẩy nhanh việc xử lý, giải quyết hồ sơ, chính sách các đối tượng phục vụ./.