|

CCHC - Chuyển đổi số - Đề án 06

An Giang tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác chi trả trợ cấp an sinh xã hội qua hệ thống Bưu điện trong 9 tháng đầu 2023

 

 

Ngày 13/10/2023, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác chi trả trợ cấp an sinh xã hội qua hệ thống Bưu điện trong 9 tháng đầu 2023.

Thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 360/KH-UBND ngày 15/05/2023 triển khai thí điểm thực hiện chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt đối với chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn thành phố Châu Đốc và thị xã Tịnh Biên. Đồng thời, tiếp tục thực hiện Quyết định số 793/QĐ-UBND ngày 08/4/2019 của UBND tỉnh An Giang về việc phê duyệt Đề án tổ chức chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng (NCC) qua hệ thống Bưu điện trên địa bàn tỉnh An Giang, Sở LĐTBXH và Bưu điện tỉnh đã ký hợp đồng nguyên tắc dịch vụ chi trả trợ cấp ưu đãi NCC qua hệ thống Bưu điện.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh chi trả 55.488 loại trợ cấp ưu đãi NCC (bao gồm trợ cấp hàng tháng, một lần, quà lễ tết) với kinh phí 107.530 triệu đồng, đảm bảo thời gian từ ngày 5 đến ngày 10 hàng tháng, điểm chi tại nhà NCC, số tiền chi trả đúng, đủ và được để trong phong bì ghi đầy đủ thông tin về số tiền, số tháng hưởng, thông tin đường dây nóng, tên người chi trả, nhân viên chi trả ngành Bưu điện thái độphong cách phục vụ tốt, được NCC đánh giá tốt, hài lòng.  Đối với chính sách bảo trợ xã hội, đã chi trả trên 103.000 lượt người với kinh phí trên 490.000 triệu đồng (trong đó có 02/11 đơn vị cấp huyện chi trả không tiền mặt).

Phát biểu tại Hội nghị, ông Châu Văn Ly- Giám đốc Sở LĐTBXH đánh giá công tác chi trả trợ cấp an sinh xã hội (ưu đãi NCC và chính sách bảo trợ xã hội) qua hệ thống bưu điện trên địa bàn tỉnh cơ bản bám sát phương án và hợp đồng nguyên tắc mà hai bên đã ký, bảo đảm về kinh phí và nhân lực tổ chức chi trả. Việc chi trả được thực hiện đúng đủ, kịp thời, chính xác, nhanh chóng, ổn định.

Bên cạnh mặt thuận lợi như luôn được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành, chính quyền địa phương và sự đồng thuận của người dân về chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt đối với chính sách trợ giúp xã hội; sự phối hợp giữa các phòng chuyên môn, sự hỗ trợ nhiệt tình của cấp xã, phường, thị trấn và cán bộ khóm, ấp; nhân viên chi trả của Bưu điện đa phần có kinh nghiệm trong việc chi trả các dịch vụ tài chính; thời gian, địa điểm chi trả được ấn định cụ thể tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng thụ hưởng đến nhận tiền

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện chi trả trợ cấp an sinh xã hội qua hệ thống Bưu điện: việc thanh quyết toán đối với một số địa phương mất sau thời gian quy định; nhân viên Bưu điện không nắm chính sách nên không thể giải thích rõ các nội dung chế độ khi NCC hỏi; cán bộ xã, phường không chi trả nên ít cơ hội tiếp xúc với đối tượng, khó nắm bắt kịp thời thông tin, ý kiến, phản ánh của NCC cũng như biến động tăng, giảm đối tượng.

Đối với chi trả không dùng tiền mặt cho người hưởng chính sách bảo trợ xã hội gặp khó khăn hơn, phần lớn là trẻ em mồ côi, người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, người cao tuổi chưa biết về dịch vụ số, việc mở tài khoản nhận trợ cấp cho đối tượng đang quản lý phải vận động nhiều lần, nên công tác mở tài khoản và chuyển tiền chi trả cho đối tượng còn chậm so với kế hoạch; đối tượng được ủy quyền nhận tiền trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội thì không có tên trong danh sách chi trả; đối  tượng gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý tài khoản, mật khẩu, thông tin từ tin nhắn của ngân hàng; nhân viên chi trả một số xã thay đổi nên người mới chưa nắm hết thông tin, quy trình, gây chậm trễ việc chi trả chính sách cho đối tượng.

Hướng tới, đề nghị Bưu điện tỉnh tìm giải pháp khắc phụ những tồn tại, hạn chế nêu trên, đẩy mạnh tiến độ mở tài khoản nhận trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn thí điểm. Các ngành, các cấp, từ công chức, viên chức, người lao động quán triệt chủ trương, phương thức thực hiện chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, từ đó tuyên truyền, hôc trợ đối tượng từng bước thay đổi thói quen nhận trợ cấp không bằng tiền mặt, nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt theo Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, vẫn tiếp tục chi trả tiền mặt theo quy định đối với các trường hợp chưa qua tài khoản, tăng cường trang bị cơ sở vật chất (địa điểm chi trả, bàn, ghế, quạt, nước,...) để phục vụ cho đối tượng trong thời gian nhận tiền trợ cấp theo quy định. Đốii với chi trả trợ cấp ưu đãi NCC phải đảm bảo đúng đủ, kịp thời, đúng đối tượng, minh bạch, tận nhà NCC, góp phần thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng./.