|

Bảo trợ xã hội

Giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn tỉnh An Giang

 

 

Năm 2023, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và sự cố gắng, nỗ lực và quyết tâm của các ngành, các cấp, các địa phương, các chủ dự án, tiểu dự án và kết quả giải ngân thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo của tỉnh đạt 79,32% trong đó, vốn đầu tư phát triển đạt 86,53% (cả nước đạt 73%); vốn sự nghiệp đạt 64,64% (cả nước đạt 47%). Mặc dù tỷ lệ giải ngân của tỉnh cao hơn bình quân của cả nước nhưng thấp hơn yêu cầu đề ra là trên 90%, nhưng đây cũng đã là sự cố gắng, nỗ lực của tất cả các ngành, các cấp, các chủ dự án, tiểu dự án với sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Về nguyên nhân giải ngân thấp so với yêu cầu đề ra, trong đó có nguyên nhân khách quan và chủ quan như: (1) Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 có nhiều văn bản hướng dẫn, quản lý, điều hành của trung ương và địa phương được ban hành chưa kịp thời, chưa đồng bộ, (2) Chương trình gồm nhiều dự án và tiểu dự án nên trong quá trình triển khai phát sinh một số khó khăn vướng mắc vượt thẩm quyền của địa phương, (3) Công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa cơ quan chủ quản Chương trình và chủ các dự án, tiểu dự án chưa kịp thời và chặt chẽ, (4) công tác chuẩn bị hồ sơ còn chậm, các chủ dự án, tiểu dự án còn lúng túng triển khai Chương trình, vai trò của người đứng đầu chưa quyết liệt.

Phát biểu của ông Lê Văn Phước, UV.BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh giai đoạn 2021-2025 tại Hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024

Trong thời gian tới, để phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, đồng thời quyết tâm giải ngân 100% vốn kế hoạch được giao trong năm 2024 theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia tại Thông báo Kết luận số 93/TB-VPCP ngày 13/3/2024 tỉnh sẽ quyết tâm và thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững. Theo đó, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác giảm nghèo, xác định giảm nghèo góp phần quan trọng tạo động lực cho phát triển bền vững của tỉnh; phát triển kinh tế phải gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đặt con người là trung tâm của sự phát triển trong điều kiện mới. Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; tuyên truyền, tạo sự thống nhất trong các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và toàn xã hội về nhận thức và hành động, nhất là cấp cơ sở. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái" của dân tộc ta đối với người nghèo. Đồng thời, đổi mới, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội của người dân và cộng đồng.

Thứ hai, chỉ đạo, điều hành, phối hợp tổ chức nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong công tác giảm nghèo. Chú trọng xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả nghị quyết của cấp ủy về giảm nghèo.

Thứ ba, tổ chức triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, chính sách giảm nghèo thường xuyên, tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ giảm nghèo. Thực hiện hiệu quả việc lồng ghép việc thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo nói chung và cơ chế, chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn tỉnh, nhất là ở huyện nghèo, xã đặc biệt khó. Đồng thời tiếp tục ưu tiên nguồn lực thực hiện Chương trình, đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài tỉnh.

Thứ tư, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc thực hiện giải ngân kế hoạch vốn thực hiện Chương trình năm 2023, từng ngành, từng cấp, phải bám sát vào các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nhất là các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, về hướng dẫn các quy định, việc chuẩn bị hồ sơ thủ tục phải được thực hiện hoàn thành sớm, nhanh để làm cơ sở triển khai thi công, thanh toán khối lượng hoàn thành, giải ngân kế hoạch vốn.

Thứ năm, Cơ quan chủ quản Chương trình và các địa phương phải chủ động thống nhất, xử lý các khó khăn, vướng mắc để hoàn chỉnh các hồ sơ thủ tục ngay từ đầu năm, đảm bảo việc triển khai thực hiện các Chương trình được thuận lợi, tránh điều chỉnh nhiều lần làm ảnh hưởng tiến độ giải ngân.

Thứ sáu, cơ quan chủ quản Chương trình thường xuyên rà soát, phối hợp với các Sở, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình để kịp thời nắm bắt tình hình triển khai thực hiện, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo UBND tỉnh.

Thứ bảy, thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Kế hoạch số 147-KH/TU ngày 28 tháng 12 năm 2023 thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 12 tháng 12 năm 2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới.

Thứ tám, các sở, ban, ngành cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tăng cường hỗ trợ, chủ động hướng dẫn và đẩy nhanh tiến độ xử lý các hồ sơ (công tác thẩm định, phê duyệt, thanh quyết toán công trình) để kịp thời giúp cơ quan chủ quản Chương trình, chủ các dự án, tiểu dự án và các huyện/thị xã/thành phố xử lý nhanh trong quá trình thực hiện Chương trình một cách kịp thời, hiệu quả nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân đảm bảo mục tiêu đã đề ra; thúc đẩy chuẩn bị hồ sơ, thủ tục để khẩn trương triển khai thực hiện trong những tháng đầu năm 2024.

Giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2023 tại huyện Thoại Sơn

Khảo sát mô hình giảm nghèo tại huyện Tri Tôn

Kiểm tra nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Tri Tôn (huyện nghèo)

Thứ chín, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giảm nghèo. Tiếp tục nâng cao năng lực đội ngũ những người làm công tác giảm nghèo, những người tham gia thực hiện các nội dung của Chương trình để hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo, hỗ trợ người dân nâng cao năng lực, vươn lên thoát nghèo bền vững. Tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh cho các đối tượng trực tiếp tham gia thực hiện các dự án của Chương trình.

Ngoài ra, đây là Chương trình hết sức có ý nghĩa, một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đề nghị cấp ủy chính quyền các cấp của địa phương cần đề cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu, tập trung chỉ đạo quyết liệt thúc đẩy tiến độ giải ngân và thực hiện Chương trình phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật./.