|

Thanh tra

Luật Thanh tra năm 2022, những nội dung cần quan tâm

 

 

Ngày 14/11/2022, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 4 ban hành Luật Thanh tra, luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023. Luật gồm 8 Chương, 118 Điều, luật có những nội dung cần quan tâm như sau:

Luật quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra tại Điều 1

Các từ ngữ trong hoạt động thanh tra được giải thích tại Điều 2:

1. Thanh tra là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hoạt động thanh tra bao gồm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.

2. Thanh tra hành chính là thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của cơ quan quản lý nhà nước.

3. Thanh tra chuyên ngành là thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực.

4. Định hướng chương trình thanh tra là văn bản xác định phương hướng và trọng tâm hoạt động thanh tra trong 01 năm do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đề nghị của Tổng Thanh tra Chính phủ.

5. Kế hoạch thanh tra là văn bản xác định nhiệm vụ chủ yếu về thanh tra trong 01 năm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành để thực hiện Định hướng chương trình thanh tra và phục vụ yêu cầu quản lý.

6. Kế hoạch tiến hành thanh tra là kế hoạch tiến hành một cuộc thanh tra do Trưởng đoàn thanh tra xây dựng và được người ra quyết định thanh tra phê duyệt.

7. Phạm vi thanh tra là giới hạn cụ thể về nội dung thanh tra, đối tượng thanh tra và thời kỳ thanh tra được xác định trong quyết định thanh tra.

8. Nội dung thanh tra là việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc ngành, lĩnh vực của đối tượng thanh tra và của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

9. Đối tượng thanh tra là cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự thanh tra được xác định trong quyết định thanh tra.

10. Thời kỳ thanh tra là khoảng thời gian thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc ngành, lĩnh vực của đối tượng thanh tra được xem xét, đánh giá trong một cuộc thanh tra.

11. Thời hạn thanh tra là khoảng thời gian được tính từ ngày công bố quyết định thanh tra đến ngày kết thúc việc tiến hành thanh tra trực tiếp.

12. Kết luận thanh tra là văn bản do Thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ký ban hành để đánh giá, kết luận và kiến nghị về nội dung đã thanh tra.

13. Thẩm định dự thảo kết luận thanh tra là việc xem xét, đánh giá để đưa ra nhận xét, kiến nghị nhằm hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra.

14. Giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra là việc theo dõi, xem xét, đánh giá việc chấp hành pháp luật, tuân thủ chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, ý thức ký luật và việc thực hiện nhiệm vụ được giao của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra trong thời hạn thanh tra.

15. Quyết định xử lý về thanh tra bao gồm quyết định của người tiến hành thanh tra để thực hiện quyền trong hoạt động thanh tra và quyết định của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, Thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra để thực hiện kết luận thanh tra.

16. Người tiến hành thanh tra bao gồm người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra và thành viên khác của Đoàn thanh tra.

17. Cơ quan thực hiện chức năng thanh tra bao gồm cơ quan thanh tra và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

18. Cơ quan thanh tra là cơ quan được thành lập theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan, thực hiện nhiệm vụ thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

19. Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành là cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

20. Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành là người được phân công thực hiện nhiệm vụ thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Mục đích hoạt động thanh tra quy định cụ thể tại Điều 3: Hoạt động thanh tra nhằm phát hiện hạn chế, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền có giải pháp, biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Nguyên tắc hoạt động thanh tra (Điều 4) phải đảm bảo:

 1. Tuân theo pháp luật, dân chủ, công khai, khách quan, kịp thời, chính xác.

2. Không làm cản trở hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

3. Không trùng lặp về phạm vi, thời gian giữa các cơ quan thanh tra, giữa cơ quan thanh tra với cơ quan kiểm toán nhà nước; không trùng lặp trong việc thực hiện quyền khi tiến hành thanh tra.

 Chức năng của cơ quan thanh tra (Điều 5): Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan thanh tra giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiến hành thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra các nội dung trên trong luật quy định cụ thể: Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thanh tra, kiểm tra (Điều 6), Trách nhiệm phối hợp giữa cơ quan thực hiện chức năng thanh tra với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (Điều 7), Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra (Điều 8). Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra (từ Điều 9 đến Điều 37). Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành (từ Điều 38 đến Điều 43). Hoạt động thanh tra (từ Điều 44 đến Điều 101). Thực hiện kết luận thanh tra (từ Điều 102 đến Điều 106). Phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra (từ Điều 107 đến Điều 111). Điều kiện bảo đảm hoạt động thanh tra (từ Điều 112 đến Điều 113). Điều khoản thi hành (từ Điều 114 đến Điều 118).

Theo đó Luật Thanh tra số 56/2010/QH12 ngày 15/11/2010 hết hiệu lực kể từ ngày Luật thanh tra năm 2022 có hiệu lực thi hành. Đối với các cuộc thanh tra có quyết định thanh tra được ban hành trước ngày Luật thanh tra năm 2022 có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra số 56/2010/QH12./.

 

Tải về