Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người và phòng, chống ma túy khu vực biên giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) An Giang phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh tiếp tục tăng cường các hoạt động tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của người dân khu vực biên giới.
Tập trung trong quý II/2024, thực hiện kế hoạch tuyên truyền pháp luật phòng, chống ma túy và mua bán người tại các huyện biên giới trên địa bàn tỉnh, Sở LĐ-TB&XH An Giang phối hợp Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tổ chức tuyên truyền tại 5 huyện, thị xã, thành phố biên giới.
Cụ thể, 2 bên phối hợp tổ chức 20 buổi tuyên truyền (mỗi buổi có ít nhất 100 người dân và học sinh tham dự) tại TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu, TX. Tịnh Biên, huyện Tri Tôn và huyện An Phú. Tại các nơi tuyên truyền, người dân và học sinh được thông tin về thực trạng mua bán người ở Việt Nam và thế giới; hành vi, thủ đoạn dụ dỗ của tội phạm mua bán người, một số biện pháp phòng tránh của người dân và tố giác tội phạm với chính quyền địa phương.
An Giang có vị trí địa lý đặc thù tuyến biên giới dài 96,6km; tiếp giáp 2 tỉnh Kandal và Takeo của nước bạn Campuchia, phía bên kia có nhiều casino hoạt động; hệ thống kênh rạch, đường mòn, lối mở chằng chịt. Đây là điều kiện thuận lợi để người dân 2 nước mua bán, trao đổi, thăm thân qua lại.
Đồng thời, tạo điều kiện cho các đối tượng tội phạm trong và ngoài nước cấu kết, hoạt động, hình thành các đường dây tội phạm xuyên quốc gia, trong đó có tội phạm mua bán người và tội phạm ma túy. Ghi nhận từ năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa phát sinh vụ việc nào.
Tổ chức tuyên truyền cho người dân, học sinh về tội phạm ma túy và phòng, chống mua bán người ở huyện biên giới
Trưởng phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH) An Giang Nguyễn Văn Đạt cho biết, tại các buổi tuyên truyền, đại diện Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Sở LĐ-TB&XH đi sâu vào các nội dung chính của Luật Phòng, chống mua bán người; làm rõ các phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người. Đồng thời, đưa ra các biện pháp bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, thông tin tình hình ma túy trên địa bàn tỉnh và tại khu vực biên giới; thủ đoạn của bọn tội phạm ma túy, một số loại ma túy phổ biến, ma túy tổng hợp mới; tác hại của ma túy và các biện pháp để người dân phòng, chống ma túy.
Cán bộ và Nhân dân địa phương được thông tin về tình hình tội phạm mua bán người hiện nay. Ngoài việc tội phạm mua bán người lừa đảo, hứa hẹn việc làm “việc nhẹ lương cao” hay đi mua sắm, du lịch rồi bán qua biên giới, thời gian gần đây, còn xuất hiện tội phạm mua bán người ở các tàu đánh cá trên biển.
Người dân cũng được hướng dẫn một số kỹ năng phát hiện, cũng như dấu hiệu nhận biết hành vi lừa gạt để mọi người tự bảo vệ mình, tránh bị mua bán. Các buổi tuyên truyền đưa vào những dẫn chứng thực tế, có phần hỏi đáp giữa người dân và cán bộ để không nhàm chán.
Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, mua bán người nói riêng và các hành vi vi phạm pháp luật vùng biên giới nói chung là nhiệm vụ quan trọng, nặng nề. Để đạt được hiệu quả cao, rất cần sự góp sức từ các cấp, ngành, đơn vị liên quan và Nhân dân. Trong đó, ý thức, nhận thức là yếu tố hàng đầu. Phải hiểu luật và nâng cao trách nhiệm, người dân mới trở thành “cánh tay nối dài” góp phần giữ gìn an ninh biên giới.
Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh An Giang, các địa phương trong tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động vận động quần chúng Nhân dân tích cực tham gia các phong trào bảo vệ an ninh trật tự, phát hiện tố giác các đối tượng có hành vi dụ dỗ, lừa gạt phụ nữ, trẻ em để bán ra nước ngoài. Cùng với đó, phối hợp các lực lượng chức năng tổ chức triển khai các hoạt động tuyên truyền về tình hình tội phạm nói chung và phương thức, thủ đoạn hoạt động mua bán người nói riêng nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em có ý thức phòng ngừa.
Để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người, UBND tỉnh An Giang chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục quán triệt, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, Tỉnh ủy đối với công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm nói chung, tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới nói riêng.
Trong đó, chú trọng hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm mua bán người qua biên giới Việt Nam - Campuchia. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các điều ước, thỏa thuận quốc tế với Campuchia về phòng, chống mua bán người.
Cùng với công tác tuyên truyền, các ngành, địa phương khu vực biên giới tổ chức, phát động phong trào quần chúng Nhân dân tham gia phòng, chống và tố giác tội phạm mua bán người, nhất là tại khu vực biên giới, cửa khẩu. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tại khu vực biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở qua biên giới để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp đưa người xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới.
(Nguồn từ trang https://baoangiang.com.vn/; người đọc có thể xem bài gốc tại địa chỉ: https://baoangiang.com.vn/day-manh-tuyen-truyen-phong-chong-mua-ban-nguoi-a397473.html)