|

Phòng chống tệ nạn xã hội

Công tác phối hợp tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma túy và mua bán người tại các xã biên giới

 

 

An Giang với đặc thù khu vực biên giới, có đường biên dài 98,2km, tiếp giáp với 6 huyện thuộc tỉnh Kandal và Takeo (Vương quốc Campuchia) nên tiềm ẩn nguy cơ tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em rất cao. Bên cạnh đó, An Giang có nhiều kênh rạch, đường mòn, lối mở, bến đò qua lại thuận tiện cho việc thông thương hàng hóa nhưng đây cũng là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng tổ chức nhập cảnh trái phép hoặc mua bán người qua biên giới.

Công tác tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phòng ngừa và đấu tranh, phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng. Do đó, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo chính quyền địa phương phối hợp các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua các hình thức tuyên truyền trực tiếp tại các khu dân cư.

Nhằm thiết thực tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong Chương trình phối hợp số 835a/CTPH-BĐBP – SLĐTBXH ngày 14 tháng 4 năm 2024 giữa Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng với Sở Lao động –Thương binh và Xã hội giai đoạn 2022 – 2025. Hai năm qua, Phòng , phòng chống tệ nạn xã hội của Sở LĐTBXH đã chủ động kết hợp với Phòng, phòng chống ma túy và tội phạm của Bộ đội biên phòng tình An Giang ký kết biên bản làm việc, thống nhất cùng nhau lập kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ theo Chương trình phối hợp mà lãnh đạo 2 đơn vị đã ký kết, kết quả 02 Phòng đã  tổ chức được 05 lớp tập huấn  cho cán bộ cấp huyện, cấp xã, khóm, ấp và Tổ trưởng khu dân cư, trực tiếp sinh hoạt chuyên đề được 33 buổi/ 33 xã để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phòng, chống ma túy và phòng chống mua bán người tại 05 huyện biên giới tỉnh (gồm: TP Châu Đốc, TX Tịnh Biên, TX Tân Châu, huyện Tri Tôn và huyện An Phú ) gần 4000 cán bộ cấp huyện, cấp xã, trưởng, phó khóm ấp và người dân tham dự. Cấp phát tờ rơi “ Chung tay, phòng chống nạn mua bán người” cho các đồn biên phòng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh với 31.000 tờ. Đồng thời, phối hợp Báo An Giang, Đài truyền hình của tỉnh và huyện viết bản tin, quay phóng sự về các buổi tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật phòng, chống ma túy và phòng chống mua bán người tại huyện biên giới.

Trong công tác phối hợp tuyên truyền, chúng tôi chú trọng những nội dung cốt lõi và cách thông tin đến người dân sao cho dễ hiểu, dễ nhớ. Các bọn tội phạm thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn của nạn nhân, vùng biên giới, nhất là nơi khó khăn về kinh tế, thiếu việc làm, sự nhẹ dạ, cả tin, mất cảnh giác của người dân đưa ra nhiều chiêu trò dụ dỗ như làm việc nhẹ lương cao… thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội mua bán người không mới, phổ biến vẫn là lừa đi thăm thân, du lịch hoặc làm quen, giả vờ yêu đương, sau đó đưa nạn nhân đến các xã biên giới rồi bán cho các đối tượng. Qua đó, cán bộ tuyên truyền giúp người dân nhận biết các hậu quả, tác hại, hiểm họa của ma túy cũng như việc mua bán người và chỉ ra phương thức, thủ đoạn của tội phạm, kỹ năng phòng ngừa, vận động nhân dân tham gia tố giác và cung cấp thông tin về tội phạm cho cơ quan chức năng.

Hình thức buổi tuyên truyền ngoài cung cấp nội dung còn hỏi đáp giữa cán bộ và người dân dự nghe để thông tin cụ thể hơn về những thắc mắc, những vấn đề người dân còn chưa hiểu rõ, hiểu chưa đúng… Trong công tác tuyên truyền chú trọng kết hợp giữa tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng với tuyên truyền trực tiếp đến người dân. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống mạng xã hội, trang thông tin điện tử, nền tảng di động để phục vụ tuyên truyền. Qua đó nâng cao vai trò, tinh thần, trách nhiệm của cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân.

Nhìn chung, qua các buổi tuyên truyền đã góp phần nâng cao kiến thức cho các bộ cấp huyện, xã, khóm, ấp và giúp cho người dân, học sinh hiểu biết các hành vi vi phạm về pháp luật ma túy, nhận thức đúng về tác hại của ma túy, về các thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người để biết cách phòng tránh và tố giác người vi phạm pháp luật với chính quyền để kịp thời ngăn chặn, xử lý theo pháp luật; nhất là các em học sinh và phụ huynh học sinh nhận biết các loại thức ăn, nước uống có pha chế chất ma túy để phòng ngừa không sử dụng, cần tránh xa các tệ nạn ma túy, góp phần giảm các tệ nạn xã hội, ổn định an ninh trật tự tại địa phương.

Sự phối hợp của 2 đơn vị luôn tạo điều kiện để cả 2 cùng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, hoàn thành tốt công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, góp phần thực hiện tốt chương trình phòng chống mua bán người của tỉnh An Giang. Ghi nhận từ năm 2023 đến nay chưa phát sinh việc tiếp nhận nạn nhân bị mua bán qua biên giới. Thực tế cho thấy, nếu công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về nguy cơ buôn bán người thực hiện tốt sẽ góp phần ngăn chặn được tình trạng mua bán người qua biên giới.

Thời gian tới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với Bộ đội biên phòng trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về Luật phòng chống mua bán người; Luật Phòng, chống ma túy ở các xã còn lại của các huyện biên giới chưa triển khai nội dung này.

Với những kết quả nêu trên, tin tưởng rằng, hai ngành sẽ có thêm những hoạt động phong phú hơn, gắn kết với những nhiệm vụ cụ thể hơn cùng hướng tới phục vụ thiết thực quyền lợi cho nhân dân, hoàn thành nhiệm vụ của Đảng bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang giao phó.