|

Người có công

An Giang dự thảo trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết về chế độ trợ cấp hàng tháng đối với hộ gia đình người có công với cách mạng thuộc diện nghèo, cận nghèo

Quan tâm, chăm lo chính sách đền ơn đáp nghĩa, tri ân người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và tất cả mọi tầng lớp nhân dân, là truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa” từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam đối với những người đã không tiếc máu xương, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho Nhân dân. Sự quan tâm này được quy định trong Hiến pháp, Pháp lệnh và được thể chế hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống pháp luật quốc gia và các chương trình, kế hoạch, đề án về ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.

Thực hiện pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng, đến nay tỉnh An Giang có trên 36.000 người có công với cách mạng, trong đó 26.300 người có công và thân nhân liệt sĩ đang sinh sống và hưởng chế độ ưu đãi theo quy định. Chính sách người có công luôn được quan tâm thực hiện tốt từ tỉnh đến cơ sở, tạo mọi điều kiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của gia đình người có công. Bình quân ngân sách chi hàng năm trên 200 tỷ đồng để thực hiện các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng tỉnh An Giang. Theo báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, đến cuối năm 2020, toàn tỉnh không còn hộ người có công với cách mạng thuộc diện nghèo, cận nghèo.

Tuy nhiên, theo chuẩn nghèo mới áp dụng giai đoạn 2022 2025 của Chính phủ quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2021 (có hiệu lực từ ngày 15 tháng 3 năm 2021), kết quả điều tra, thống kê mức sống hộ gia đình người có công với cách mạng trên địa bàn An Giang thực hiện vào tháng 6 năm 2021, toàn tỉnh có 593 hộ người có công còn mức sống dưới mức trung bình, trong đó 85 hộ nghèo (với 235 nhân khẩu, trong đó có 196 người có công và thân nhân), 508 hộ cận nghèo (với 1.314 nhân khẩu, trong đó có 1.121 người có công và thân nhân).

Cũng trên cơ sở điều tra, mức thu nhập bình quân hàng tháng của mỗi người trong hộ gia đình người có công thuộc diện nghèo ở thành thịnông thôn trên 900.000 đồng; hộ cận nghèo ở thành thị gần 1,5 triệu đồng, hộ cận nghèo ở nông thôn khoảng 1 triệu đồng; trong khi mức sống của hộ trung bình quy định tại thành thị là trên 02 triệu đồng/người/tháng, tại nông thôn trên 1,5 triệu đồng/người/tháng. Hầu hết các hộ này có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có đất canh tác, phương tiện sản xuất, kinh doanh hoặc sức lao động và bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid - 19.

Hiện nay việc thực hiện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng được căn cứ tại các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương ban hành: Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ngày 09 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định số 31/2012/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ, Nghị định 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, …. Tuy chưa có văn bản quy phạm pháp luật chính sách hỗ trợ hay quy định trợ cấp hàng tháng đối với một số thành viên trong gia đình hộ nghèo thuộc chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, nhưng tại Điểm g Khoản 1 Điều 51 Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14, quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh  căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định các chính sách ngoài quy định; Đồng thời, Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19 tháng 7 năm 2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng; Quyết định số 773/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19 tháng 7 năm 2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, trong đó có nội dung chỉ đạo phấn đấu 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Để tiếp tục triển khai các chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác người có công với cách mạng, chỉ đạo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, nâng cao mức sống gia đình người có công với cách mạng đạt mục tiêu 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội trình UBND tỉnh cho phép thực hiện trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định chế độ trợ cấp hàng tháng đối với hộ gia đình có công với cách mạng thuộc diện nghèo, cận nghèo tỉnh An Giang giai đoạn 2022-2025, nâng cao mức thu nhập bình quân của hộ gia đình có công với cách mạng thuộc diện nghèo, cận nghèo lên mức trung bình của Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, đây là giải pháp chính yếu, cấp thiết và hiệu quả cao nhất.

Theo đề xuất, ngân sách tỉnh thực hiện chế độ trợ cấp hàng tháng đối với hộ gia đình có công với cách mạng thuộc diện nghèo, cận nghèo tỉnh An Giang giai đoạn 2022-2025. Đối tượng thụ hưởng là người có công với cách mạng (bao gồm 11 diện đối tượng theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ được hưởng trợ cấp hàng tháng hoặc con liệt sĩ đang hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ) và thân nhân của họ (cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con đẻ và con nuôi hợp pháp) sống trong cùng hộ khẩu, do UBND cấp huyện quyết định công nhận thuộc diện nghèo, cận nghèo hàng năm trong giai đoạn 2021 -2025. Điều kiện hưởng chế độ của Nghị quyết khi đối tượng nêu trên có một trong các điều kiện: Nam đủ 60 tuổi trở lên, nữ đủ 55 tuổi trở lên, trẻ dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học; Người đang bị khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật; Người đang mắc bệnh hiểm nghèo theo Danh mục bệnh hiểm nghèo.

Căn cứ định mức quy định mức sống của hộ trung bình tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, dự kiến trình Hội đồng nhân dân tỉnh mức trợ cấp đối với hộ người có công với cách mạng thuộc diện nghèo, cận nghèo, với 02 phương án cụ thể như sau:

1. Phương án 1:

a) Trợ cấp hàng tháng đối với hộ gia đình người có công với cách mạng thuộc diện nghèo:

  • Thành thị:  1.000.000 đồng/người/tháng.

+ Nông thôn:500.000 đồng/người/tháng.

b) Trợ cấp hàng tháng đối với hộ gia đình người có công với cách mạng thuộc diện cận nghèo:

+ Thành thị:      600.000 đồng/người/tháng.

  + Nông thôn:          400.000 đồng/người/tháng.

2. Phương án 2:

a) Trợ cấp hàng tháng đối với hộ gia đình người có công với cách mạng thuộc diện nghèo: 800.000 đồng/người/tháng.

b) Trợ cấp hàng tháng đối với hộ gia đình người có công với cách mạng thuộc diện cận nghèo: 500.000 đồng/người/tháng.

Trong dự thảo Nghị quyết có quy định thủ tục hồ sơ, trình tự thực hiện đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến chế độ trợ cấp này. Theo đó, hộ gia đình người có công với cách mạng làm bản khai kèm một số hồ sơ, giấy tờ (của các cơ quan thẩm quyền) minh chứng thuộc đối tượng và điều kiện được nhận chế độ này; cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc xác nhận, thẩm định, quyết định, chi trả và quản lý chế độ trợ cấp đối với hộ gia đình người có công với cách mạng thuộc diện nghèo, cận nghèo theo quy trình, thời gian được quy định trong Nghị quyết và tuân thủ đúng theo pháp luật hiện hành.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã xây dựng dự thảo Tờ trình của UBND tỉnh, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh và báo cáo đánh giá tác động đối với Nghị quyết, gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Tài chính và UBND các huyện, thị xã, thành phố góp ý kiến; đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, lấy ý kiến của toàn thể nhân dân theo quy định.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội rất mong sự nghiên cứu, thống nhất và góp ý của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, giúp Sở hoàn chỉnh các nội dung, thủ tục trình UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết quy định chế độ trợ cấp hàng tháng đối với hộ gia đình có công với cách mạng thuộc diện nghèo, cận nghèo tỉnh An Giang giai đoạn 2022-2025./.

 

 

Tải về

Các tin đã đưa