|

Lao động việc làm

Tuyên truyền về Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Luật số 69/2020/QH14)

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 10 thông qua vào ngày 13-11-2020. Luật gồm 08 chương, 74 điều và chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;  Bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động; Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; chính sách đối với người lao động; quản lý nhà nước trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Lễ đưa Thực tập sinh sang Nhật Bản làm việc

Luật đã quy định các chính sách của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, khuyến khích nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; phát huy và sử dụng hiệu quả nguồn lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong một số ngành, nghề, công việc cụ thể có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hoặc Việt Nam có ưu thế được áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút, thúc đẩy và hỗ trợ phát triển ngành, nghề, công việc để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và sử dụng người lao động sau khi về nước phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.

Luật cũng quy định bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân Việt Nam trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Bảo đảm bình đẳng giới, cơ hội việc làm, không phân biệt đối xử trong tuyển chọn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; có biện pháp hỗ trợ bảo vệ người lao động làm việc ở nước ngoài phù hợp với các đặc điểm về giới. Đồng thời, Điều 7 của Luật quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; trong đó, Luật nêu các khu vực cấm đi làm việc ở nước ngoài, bao gồm: Khu vực đang có chiến sự hoặc đang có nguy cơ xảy ra chiến sự; khu vực đang bị nhiễm xạ; khu vực bị nhiễm độc; khu vực đang có dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm.

Tại Điều 18 của Luật đã quy định cho phép doanh nghiệp dịch vụ được chuẩn bị nguồn lao động trước khi đăng ký hợp đồng lao động. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được chủ động trong công tác chuẩn bị nguồn lao động phù hợp với yêu cầu của đối tác nước ngoài, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu, uy tín trên thị trường cung ứng lao động quốc tế. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng doanh nghiệp lợi dụng quy định này để tuyển chọn, đào tạo tràn lan, gây thiệt hại cho người lao động và lãng phí cho xã hội, Luật đã quy định rõ về hồ sơ chuẩn bị nguồn lao động, cơ chế quản lý đối với hoạt động chuẩn bị nguồn lao động.

Bồi dưỡng các kiến thức cần thiết để học viên đạt yêu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính và Truyền thông Quốc tế - MIF)

Nội dung liên quan đến chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài (Điều 23), Luật quy định phù hợp với thực tế thị trường, bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động. Theo đó, về tiền dịch vụ: “Trường hợp doanh nghiệp dịch vụ đã thu tiền dịch vụ từ người lao động cho toàn bộ thời gian làm việc thỏa thuận trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài mà người lao động phải về nước trước thời hạn và không do lỗi của người lao động thì doanh nghiệp dịch vụ phải hoàn trả cho người lao động số tiền dịch vụ và tiền lãi theo tỷ lệ tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Tiền lãi được tính theo lãi suất đối với tiền gửi không kỳ hạn bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng do các bên thỏa thuận tại thời điểm doanh nghiệp hoàn trả cho người lao động” (khoản 3, điều 23).

Bên cạnh đó, Chương VII của Luật đã quy định nội dung về giải quyết tranh chấp với những nguyên tắc giải quyết tranh chấp giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức, cá nhân Việt Nam đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tranh chấp giữa người lao động Việt Nam với người sử dụng lao động ở nước ngoài; tranh chấp giữa doanh nghiệp dịch vụ, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với bên nước ngoài tiếp nhận lao động hoặc tổ chức, cá nhân trung gian.

Người lao động chuẩn bị xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Trên đây là một số nội dung cần quan tâm về Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, người lao động Việt Nam khi đăng ký đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cần nghiên cứu và nắm được những quy định có trong Luật để đảm bảo quyền lợi cá nhân cũng như những thủ tục pháp lý cần thiết khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng./.

Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: 69/2020/QH14


Các tin đã đưa