|

Hoạt động ngành

Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang trong năm 2021

Năm 2021 mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tất cả hoạt động của các cơ quan, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân đều gặp khó khăn do thực hiện giản cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đời sống của một bộ phận người dân, nhất là nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội (người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn, hộ dân tộc, …) gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với sự nỗ lực của tất cả cán bộ, công chức, viên chức ngành Lao động-Thương binh và Xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai thực hiện kịp thời và đồng bộ công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, các mục tiêu, chỉ tiêu của ngành cơ bản đạt kế hoạch đề ra. Song song đó, Sở luôn đảm bảo thực hiện các nội dung Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (Chỉ số SIPAS) trên 05 yếu tố cơ bản của quá trình cung ứng dịch vụ hành chính công, gồm: (1) Tiếp cận dịch vụ hành chính công; (2) thủ tục hành chính; (3) công chức giải quyết công việc; (4) kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công; (5) tiếp nhận và giải quyết phản ánh, kiến nghị. Kết quả, năm 2021 sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của Sở đạt 94,59% (xếp thứ 2 trong các sở, ban, ngành tỉnh) theo Quyết định số 851/QĐ-UBND ngày 27/4/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về phê duyệt và công bố Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. Kết quả đạt được là sự ghi nhận nỗ lực của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức ngành Lao động-Thương binh và Xã hội trong việc triển khai có hiệu quả Chỉ số SIPAS. Qua Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức cho thấy toàn diện thực trạng chất lượng cung ứng dịch vụ công của Sở, từ đó Sở tiếp tục thực hiện các giải pháp cải cách, nâng cao chất lượng dịch vụ công, chất lượng phục vụ người dân, tổ chức ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn.

Để giữ vững và phát huy thành quả đã đạt được về Chỉ số SIPAS trong năm 2022, là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm bản lề trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ 11 của Đảng bộ tỉnh; với phương châm hành động của Chính phủ: “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đề ra các giải pháp và yêu cầu các phòng, đơn vị trực thuộc Sở thực hiện để nâng cao hơn nữa Chỉ số SIPAS, như sau:

1. Cải thiện Chỉ số hài lòng về tiếp cận dịch vụ

- Thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiệu quả và chất lượng hoạt động của cán bộ làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, nhằm có sự điều chỉnh kịp thời về nhân sự và quy trình phục vụ; rà soát, đánh giá năng lực, phẩm chất của công chức trực tiếp làm việc tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả để có kế hoạch bồi dưỡng các kỹ năng còn thiếu, nâng cao năng lực giải quyết công việc.

- Đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính đối với cá nhân, tổ chức theo hướng hiện đại, hiệu quả, thuận lợi, minh bạch.

- Tăng cường hoàn thiện hệ thống một cửa điện tử, tăng số lượng thủ tục và số lượng hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết trực tuyến ở mức độ 3 đối với các lĩnh vực thuộc ngành quản lý; đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ cá nhân, tổ chức sử dụng.

2. Cải thiện Chỉ số hài lòng về thủ tục hành chính

- Tăng cường niêm yết công khai, minh bạch, thủ tục hành chính theo Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07/8/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính và Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31/10/2017 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính. Vị trí, hình thức niêm yết công khai thủ tục hành chính cần quan tâm về đặc thù lĩnh vực, đối tượng để đảm bảo thuận tiện cho cá nhân, tổ chức khai thác và tra cứu thông tin.

- Niêm yết, công khai thủ tục hành chính phải đảm bảo sự chính xác với cách thức và nội dung trình bày đúng theo hướng dẫn tại Thông tư số 02/2017/TT-VPCP. Đồng thời, tăng cường kiểm tra công tác niêm yết thủ tục hành chính; chuẩn hóa các mẫu, biểu; nhanh chóng cập nhật, điều chỉnh các sai sót (nếu có). Khuyến khích sáng kiến về hình thức công khai, niêm yết, ứng dụng công nghệ trong công khai, niêm yết thủ tục hành chính hướng tới tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận và sử dụng của cá nhân, tổ chức.

- Tăng cường và đa dạng các hình thức thông tin, tuyên truyền đến cá nhân, tổ chức các quy định về thành phần hồ sơ, mức phí hoặc lệ phí (nếu có), quy trình và thời hạn giải quyết thủ tục hành chính.

- Tăng cường đo lường, thống kê chi tiết về thời gian giải quyết công việc, xây dựng lưu đồ chi tiết cho từng công đoạn, từng bộ phận để từ đó có hướng cải tiến, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính.

3. Cải thiện Chỉ số hài lòng về công chức

- Theo dõi, kiểm tra thái độ, hành vi của công chức; xử lý nghiêm đối với công chức, viên chức vi phạm nội quy, giờ giấc làm việc hoặc có thái độ nhũng nhiễu với cá nhân, tổ chức. Cử công chức tham gia các lớp bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, tương tác với cá nhân, tổ chức; các lớp bồi dưỡng chuyên sâu kỹ năng về lắng nghe, trả lời, giải thích, hướng dẫn kê khai hồ sơ để làm hài lòng đối tượng phục vụ. Tăng cường tuyên truyền về các chuẩn mực, tinh thần phục vụ, trách nhiệm của công chức được phân công thực hiện thủ tục hành chính, từ đó nâng cao thái độ phục vụ của công chức thuộc Sở.

4. Cải thiện Chỉ số hài lòng về kết quả cung ứng dịch vụ công

- Có hình thức xử lý đối với công chức giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trễ hạn nhiều lần nếu không có lý do chính đáng.

- Rà soát hình thức, cách thức thể hiện kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. Kết quả giải quyết phải có thông tin đầy đủ, đúng quy định và chính xác; căn cứ giải quyết, nội dung xử lý, đầu mối liên hệ để giải thích trực tiếp từng nội dung xử lý phải được thể hiện rõ. Nghiên cứu, thiết kế các kênh tra cứu để cá nhân, tổ chức dễ dàng kiểm tra thông tin trong kết quả giải quyết hồ sơ.

- Rà soát, kiểm tra công tác phối hợp với đơn vị bưu chính công ích trong triển khai thực hiện quy trình tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính thông qua dịch vụ bưu chính công ích. Đẩy mạnh thực hiện trả kết quả thông qua dịch vụ bưu chính công ích đối với dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; các thủ tục hành chính không có thu phí, lệ phí.

5. Cải thiện Chỉ số hài lòng về việc tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị

- Các phòng, đơn vị thuộc Sở rà soát, có thể đa dạng các hình thức tiếp nhận góp ý, phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức; bố trí công chức, viên chức thường xuyên theo dõi, kịp thời tiếp nhận, giải quyết phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính trên Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị theo hướng dẫn tại Thông tư số 02/2017/TT-VPCP.

- Chuẩn hóa các điều kiện về phương tiện, cơ sở vật chất, thái độ ứng xử, giao tiếp trong quy trình tiếp nhận, xử lý các góp ý, phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức.

- Kết nối với các kênh khác trong tiếp nhận góp ý, phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức liên quan đến lĩnh vực phụ trách; theo dõi các luồng thông tin, dư luận để nhận diện vấn đề, từ đó có hướng cải thiện đối với Chỉ số hài lòng về việc tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị.

Sở luôn lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Do đó Sở tiếp tục có những biện pháp, xây dựng các giải pháp mới, đột phá, phù hợp để cải thiện, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công trên tinh thần lắng nghe, cầu thị, trách nhiệm, hết lòng phục vụ người dân, tổ chức; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính đề ra, cũng như tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, chất lượng Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ thúc đẩy hoàn thành xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử hướng tới Chính phủ số, Chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số theo lộ trình của Chính phủ, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của Sở; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức.