|

Hoạt động ngành

Giải trình các ý kiến, kiến nghị Trình bày tại kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh khoá X, nhiệm kỳ (2021 – 2026)

 

 

Thực hiện Thông báo số 01/TB-MTTQ ngày 09/7/2024 của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang về việc thông báo Công tác Mật trận tham gia xây dựng chính quyền Trình bày tại kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ (2021 – 2026). Sau khi xem xét nội dung đề xuất, kiến nghị của cử tri và đối chiếu với quy định hiện hành, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) xin được báo cáo, giải trình nội dung thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội như sau:

1. Bảo vệ, chăm sóc trẻ em

 Về kiến nghị: “Hiện nay có một số trẻ em chưa đủ tuổi lao động phải bỏ học để đi bán vé số; Một số người bán vé số bế theo trẻ nhỏ để tạo lòng thương hại, điều này là cho người dân băn khoan, sợ ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ của các em. Ngường dân mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc xem xét, có giải pháp hiệu quả để bảo vệ sức khoẻ, tinh thần cho trẻ em, hạn chế tình trạng mang theo trẻ nhỏ làm công cụ để phục vụ việc mua bán, lao động.”

Về nội dung này, Sở LĐTBXH có ý kiến trả lời như sau:

Trong thời gian qua công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương vô cùng quan tâm và được đưa vào trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong những năm qua trên địa bàn tỉnh chưa có trường hợp trẻ em lao động sớm tuy nhiên vẫn còn tình trạng trẻ em bán vé số, cha mẹ và người chăm sóc đưa trẻ đi theo để bán vé số. Đây là thực trạng mà lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành và toàn thể xã hội đang rất quan tâm và đã triển khai rất nhiều hoạt động như:

- UBND tỉnh đã ban hành: Quyết định số 1871/QĐ-UBND ngày 10/08/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc ban hành kế hoạch phòng ngừa, giảm thiểu Lao động trẻ em trái quy định pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 trên địa bàn tỉnh An Giang; Quyết định số 3004/QĐ-UBND ngày 24/12/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc ban hành quy trình phối hợp trong việc hỗ trợ can thiệp xử lý các trường hợp trẻ em bị xâm hại bạo lực trên địa bàn tỉnh An Giang. Bên cạnh đó các sở, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ của mình mà xây dựng và triển khai các văn bản phù hợp.

- Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục cũng như kết nối, hỗ trợ, can thiệp trẻ và gia đình nhằm xoá bỏ tình trạng trẻ em đi bán vé số, trong thời gian qua đã triển khai các hoạt động như:

+ Phối hợp với ngành Công an: tăng cường công tác phối hợp trong đó chú trọng việc phát hiện các đối tượng trẻ em bán vé số, trẻ em đi cùng cha mẹ, người chăm sóc bán vé số, trẻ em ăn xin, lang thang nhằm đánh giá vấn đề và phối hợp với Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh đưa trẻ em vào nuôi dưỡng nếu cha mẹ không còn hoặc không đủ điều kiện chăm sóc trẻ; đưa trẻ về gia đình và làm cam kết không để tình trạng trẻ em đi bán vé số, lang thang, xin ăn xảy ra;

+ Phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo: Phát hiện các học sinh có nguy cơ bỏ học, trẻ vừa đi học vừa bán vé số để phối hợp với ngành lao động trong việc triển khai các hoạt động hỗ trợ can thiệp tránh tình trạng trẻ phải bỏ học cũng như không có điều kiện học tập;

+ Phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông tăng cường nội dung tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử và các phương tiện truyền thông giúp người dân thực hiện tốt vai trò bảo vệ và chăm sóc trẻ em; Tăng cường phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm kết nối giúp trẻ học nghề, làm việc phù hợp với trẻ; Thành lập các điểm tư vấn, tham vấn nhằm hỗ trợ trẻ em và gia đình trẻ trong việc tiếp cận với các hoạt động hỗ trợ, can thiệp.

- Triển khai thí điểm mô hình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trên địa bàn thành phố Long Xuyên: ban hành kế hoạch số 591/KH-SLĐTBXH ngày 07 tháng 3 năm 2024 về việc triển khai mô hình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trái quy định pháp luật trên địa bàn thành phố Long Xuyên năm 2024.

* Phương hướng trong thời gian tới: Tiếp tục tham mưu xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, nhất là nhóm trẻ em lang thang, ăn xin và bán vé số trên địa bàn tỉnh; Tổ chức các hoạt động tập huấn, tuyên truyền về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em nhằm nâng cao nhận thức của các cấp các ngành và người dân trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Thực hiện tốt công tác quản lý trẻ em trên địa bàn nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội cho người dân và trẻ em trên địa bàn tỉnh; Nhân rộng mô hình phòng, ngừa giảm thiểu lao động trẻ em ra các huyện, thị xã, thành phố khác trên địa bàn tỉnh.

2. Lao động – Việc làm

2.1. Về kiến nghị: Người dân mong muốn chính quyền địa phương quan tâm và có nhiều chính sách đối với lao động nông thôn để tạo việc làm ổn định ngay tại địa phương; Nghiên cứu nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế và hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn của người thụ hưởng tại địa phương để triển khai có hiệu quả.

Về nội dung này, Sở LĐTBXH có ý kiến trả lời như sau:

(1) Các chính sách hỗ trợ đối với lao động để tạo việc làm

Chính sách hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và chính sách hỗ trợ cho vay giải quyết việc làm.

Sở LĐ-TBXH triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo Nghị quyết số 17/2020/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh An Giang (gồm hỗ trợ chi phí ban đầu với mức khoán 5.000.000 đồng/lao động; hỗ trợ tín dụng tối đa 100% chi phí theo hợp đồng ký kết giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhưng tối đa là 100 triệu đồng/lao động) và triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Kết quả thực hiện đạt được như sau:

+ Trong năm 2023: Hỗ trợ chi phí ban đầu cho 186 lao động với số tiền 946,120 triệu đồng; hỗ trợ tín dụng cho 153 lao động với số tiền 14.290 triệu đồng; triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, đã giải ngân số tiền 193,04 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 5.071 lao động.

+ Trong 6 tháng đầu năm 2024: Hỗ trợ chi phí ban đầu cho 112 lao động với kinh phí 569 triệu đồng; hỗ trợ tín dụng cho 111 lao động với số tiền 8.867 triệu đồng; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm giải ngân cho 877 lao động với số tiền 47.462 triệu đồng.

Ngoài ra, Sở LĐ-TBXH tiếp tục chỉ đạo TTDVVL tỉnh tăng cường kết nối thông tin về việc làm, giới thiệu việc làm cho người lao động; phối hợp các địa phương tổ chức các điểm, cụm, các phiên giao dịch việc làm tại các huyện, thị xã, thành phố và các khu công nghiệp. (Trong 6 tháng đầu năm 2024 đã tổ chức 48 điểm, cụm tư vấn người lao động và 06 phiên giao dịch việc làm với 312 doanh nghiệp và 13.912 lao động tham dự; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 28.063 trường hợp, giới thiệu việc làm thành công 3.161 trường hợp và có 487 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: Nhật 323, Đài loan 151, Hàn Quốc 10,...)

Đối với chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Sở LĐ-TBXH và các địa phương tăng cường triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo quy định nhằm tạo điều kiện cho người lao động có được kiến thức, kỹ năng thực hành một số ngành nghề tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo việc làm góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động. Năm 2023, toàn tỉnh tổ chức đào tạo nghề lao động nông thôn cho 6.086 người với tổng kinh phí thực hiện trên 6.207 triệu đồng.

Sở LĐTBXH xây dựng Kế hoạch số 551/KH-SLĐTBXH ngày 05/3/2024 về việc thực hiện các tiểu dự án, nội dung thành phần về lĩnh vực GDNN thuộc 03 CTMTQG: Giảm nghèo bền vững, Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Nông thôn mới năm 2024 và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 347/QĐ-UBND ngày 08/3/2024.

 (2) Các mô hình hỗ trợ sinh kế:

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khá nhiều mô hình sinh kế như mô hình tổ phụ nữ đan đệm bàng, Nấm mối nàng hương, chăn nuôi bò vỗ béo, may công nghiệp, trồng nấm bào ngư, chăn nuôi gà thả vườn, nuôi lương không bùn, nuôi vịt trên dệm lót sinh học,… Giai đoạn 2022 - 2024 (tháng 6 năm 2024), toàn tỉnh đã tổ chức, triển khai thực hiện 175 dự án/mô hình giảm nghèo, cho 2.688 hộ dân (hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo) tham gia, thông qua các dự án/mô hình giảm nghèo được triển khai, qua đó đã giải quyết việc làm cho các lao động tham gia dự án, mô hình, có thu nhập ổn định và vươn lên thoát nghèo bền vững. Đa phần các dự án/mô hình được các tổ chức tín dụng hỗ trợ vay vốn kịp thời và đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng.

Trong thời gian tới, Sở LĐ-TBXH tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan và các tổ chức tín dụng đề xuất các mô hình sinh kế mới để tiếp tục giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh.

2.2. Ý kiến phản ánh: Nguyện vọng gia đình có thanh niên trúng nghĩa vụ quân sự mong muốn chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ cho các thanh niên hoàn thành tốt nhiệm vụ, chăm lo các chính sách hậu phương quan đội và tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết việc làm cho thanh niên khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự khi trở về địa phương.

Sở LĐ-TBXH báo cáo, giải trình như sau:

Với mục đích nhằm thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, tạo điều kiện cho thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương được tham gia các lớp đào tạo nghề để có được việc làm ổn định, tạo thu nhập cho bản thân. Đào tạo nghề cho thanh niên xuất ngũ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo của địa phương, tạo ra lực lượng lao động có tay nghề, góp phần phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tạo ra nhiều vị trí làm việc mới để giải quyết việc làm cho người lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của tỉnh trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Thời gian qua, Đảng và nhà nước quan tâm thực hiện công tác chăm lo đào tạo nghề và giải quyết việc làm góp phần phát triển đời sống kinh tế cho người lao động thông qua các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Trong đó, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho thanh niên tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ. Đây là chính sách mang tính nhân văn, ghi nhận sự cống hiến sức khỏe, tuổi trẻ, tài năng của thanh niên trong công cuộc bảo vệ và xây dựng tổ quốc. Theo đó, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ được cấp thẻ học nghề trình độ sơ cấp, được lựa chọn nghề và cơ sở đào tạo để đăng ký học và được hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn, tiền đi lại trong quá trình học nghề với tổng kinh phí tối đa là 12 tháng lương cơ sở. Năm 2023, toàn tỉnh hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp cho 1.483 thanh niên hoàn thành nghĩa vụ với kinh phí trên 22.936 triệu đồng. Đa số thanh niên hoàn thành nghĩa vụ sau khi học nghề đều có được việc làm hoặc tự tạo việc làm góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.

Trên đây là nội dung giải trình các ý kiến, kiến nghị của Sở LĐTBXH tại Thông báo số 01/TB-MTTQ ngày 09/7/2024 của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang./.