|

Bảo Vệ Chăm Sóc Trẻ Em

Các hoạt động thiết thực nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 trên địa bàn tỉnh năm 2023

 

 

Hiện An Giang có 445.923 trẻ em. Trong đó, số trẻ em mồ côi do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 259 trẻ.

 Với vai trò, trách nhiệm của mình, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh An Giang từ tỉnh đến cơ sở luôn dành sự quan tâm rất đặc biệt đến công tác chăm lo, bảo vệ trẻ em. Hàng năm, nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 và hưởng ứng Tháng hành động Vì trẻ em (tháng 6), các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh An Giang xây dựng kế hoạch chu đáo tổ chức nhiều hoạt động chăm lo, nhiều chương trình vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, du lịch, tham quan, giao lưu đầy ý nghĩa và bổ ích cho trẻ em tham gia, nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật, mồ côi… các hoạt động luôn bảo đảm an toàn, lành mạnh và thực hiện đúng các nguyên tắc về phòng, chống dịch bệnh.

 Chuẩn bị cho các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi năm 2023 và thiết thực hưởng ứng Tháng hành động Vì trẻ em năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã ban hành Kế hoạch số 284/KH-UBND ngày 17/4/2023. Theo đó, toàn tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động như: Trại hè tại thành phố Đà Lạt cho trên 83 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn, có thành tích học tập tốt; tổ chức cho trẻ em giao lưu và biểu dương gương trẻ em vượt khó học giỏi; cấp học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đạt thành tích tốt trong học tập; vận động Quỹ bảo trợ trẻ em các cấp; tổ chức mở các lớp năng khiếu cho trẻ em: Phổ cập bơi, võ cổ truyền, hội họa, múa dân gian, tập hát thiếu nhi, lớp vẽ cho học sinh mẫu giáo; tổ chức các hội thi: Thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, kể chuyện theo sách, thi chỉ huy đội giỏi, thi nghi thức đội, thi bé khỏe, bé ngoan, hội thi Cháu ngoan Bác Hồ, hội thi vẽ tranh, hội thi âm nhạc và bé, giải bơi lặn cứu đuối; biểu diễn văn nghệ; tổ chức các giải bóng đá thiếu nhi; tổ chức các trò chơi dân gian: Kéo co, hái hoa dân chủ, đố vui có thưởng; hỗ trợ y tế; trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng; liên hoan cháu ngoan bác hồ; du khảo về nguồn; trưng bày sách thiếu nhi; tham quan dã ngoại, … nhằm tạo điều kiện cho trẻ em được sinh hoạt tập thể, sinh hoạt nhóm giúp các em nâng cao sức khỏe, thể chất, phòng, chống dịch bệnh, rèn luyện nhân cách, rèn luyện kỹ năng xã hội nhất là kỹ năng sinh tồn, kỹ năng thoát hiểm, phòng vệ ... các hoạt động trên sẽ thu hút khoảng 78.0000 lượt trẻ em tham gia. Thông qua các hoạt động sẽ trao tặng khoảng 20 ngàn phần quà với số tiền khoảng 3 tỷ đồng.

Theo Kế hoạch 284, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, HĐND tỉnh, UBMTTQ tỉnh sẽ tổ chức các đoàn thăm, tặng quà cho khoảng 766 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn tại các vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa, các xã nghèo và tại các trung tâm bảo trợ xã hội, như: Trung tâm Nuôi dưỡng người già trẻ mồ côi Long Xuyên, Trung tâm Nuôi dưỡng người già trẻ mồ côi Châu Đốc, Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trường trẻ em khuyết tật, … với số tiền khoảng 191.500 triệu đồng (mỗi phần quà trị giá 250.000 đồng, gồm: bánh, sữa, các nhu yếu phẩm cần thiết...), đồng thời sẽ trao tặng các suất học bổng cho trẻ em mồ côi do Covid-19, tặng 40 xe đạp với số tiền khoảng 100 triệu đồng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vượt khó đến trường từ nguồn ngân sách tỉnh và nguồn vận động xã hội hóa. Dự kiến trong dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6 năm 2023, toàn tỉnh sẽ tổ chức thăm, tặng khoảng 23.000 phần quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn, con em cán bộ công chức với kinh phí trên 4,5 tỷ đồng; các huyện, thị xã, thành phố cũng sẽ trích từ nguồn ngân sách địa phương và nguồn vận động xã hội hóa trao tặng hơn 3.500 phần quà cho trẻ em với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng, thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ngành đối với trẻ em, góp phần động viên tinh thần, khích lệ sự nỗ lực, ý chí vươn lên, giúp trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi do Covid-19, trẻ em khuyết tật có nhiều hoạt động vui tươi, ý nghĩa, vượt qua khó khăn, khiếm khuyết, nỗ lực vươn lên trong học tập và cuộc sống, tạo cho trẻ em có môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện để phát triển toàn diện. Tất cả góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Tỉnh cũng tổ chức nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe và phẫu thuật miễn phí cho trẻ em bị bệnh bẩm sinh, bệnh hiểm nghèo, như: Vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ hỗ trợ khám, chữa bệnh cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; kết nối các nhà tài trợ khám, chữa bệnh miễn phí cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh, các bệnh hiểm nghèo, các bệnh về khuyết tật, dị tật vận động và các dạng bệnh khác.

Từ ngày 25/5/2023, toàn tỉnh tổ chức lễ ra quân Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 để tạo sự ủng hộ và đồng thuận của xã hội đối với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và đóng góp nguồn lực thực hiện các chương trình, mục tiêu vì trẻ em; hỗ trợ trẻ em nghèo, trẻ em bị ảnh hưởng bởi Covid-19, trẻ em dân tộc và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tổ chức các hoạt động truyền thông tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền trực quan thông qua treo băngrol, khẩu hiệu tuyên truyền chuyển tải thông điệp của Tháng hành động; phát 7.000 quạt tay, tờ rơi tuyên truyền về công tác bảo vệ trẻ em; tổ chức sinh hoạt cộng đồng, tuyên truyền nhóm, tuyên truyền trực tiếp tại các hộ gia đình và trẻ em về thực hiện quyền bổn phận trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh, phòng, chống xâm hại trẻ em; thông tin, tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; tăng cường nhận thức, kỹ năng của trẻ em, gia đình, cộng đồng chung tay xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện, xây dựng ngôi nhà an toàn cho trẻ em, xây dựng xã phường phù hợp với trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng tránh suy dinh dưng, khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em, trách nhiệm của gia đình đối với việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tăng thời lượng tuyên truyền trên báo, loa truyền thanh về nội dung bảo vệ, chăm sóc trẻ em; truyền thông về Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em đầu số 111 và tổng đài 18008077 về phòng chống mua bán phụ nữ, trẻ em; củng cố nhân rộng có hiệu quả các điểm tư vấn học đường tại các trường học. Các hoạt động tư vấn tâm lý, giáo dục giới tính, kỹ năng tự vệ, phòng, chống xâm hại; tổ chức triển khai các mô hình về phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông, mô hình Hội đồng trẻ em và câu lạc bộ liên quan đến công tác trẻ em nhằm lan tỏa và tăng cường trách nhiệm của các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong phối hợp thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp để bảo vệ trẻ em kịp thời, hiệu quả, nhất là trong gia đình, cộng đồng. Phát triển các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em như: Câu lạc bộ Quyền trẻ em, các chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng và thực hiện để trẻ em phát huy được quyền tham gia và giúp các em tự tin, thực hiện tốt bổn phận của mình. Tổ chức Diễn đàn trẻ em các cấp với chủ đề “Trẻ em nói về các vấn đề phòng chống bạo lực, xâm hại, đuối nước ở trẻ em và an toàn trên môi trường mạng” Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em” thông qua các khẩu hiệu tuyên truyền: Chung tay xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho mọi trẻ em; Phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em là bảo đảm quyền được sống của trẻ em; Hãy cho trẻ em học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước; Gọi Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111 để thông báo mọi hành vi xâm hại trẻ em; Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động; Gia đình, nhà trường cùng đồng hành để trẻ em được an toàn trên môi trường mạng; Không gian mạng an toàn, công dân số tương lai; Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng; Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em”

 Thiết thực triển khai hiệu quả chủ đề: “Trẻ em nói về các vấn đề phòng chống bạo lực, xâm hại, đuối nước ở trẻ em và an toàn trên môi trường mạng” Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em” của năm 2023 trên địa bàn tỉnh và tiếp tục học tập làm theo tư tưởng, tấm gương, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh về yêu thương nhi đồng và thực hiện lời dạy của Bác: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy chăm sóc giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ... Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt”, các cấp lãnh đạo tỉnh An Giang luôn dành tất cả sự chăm lo, bảo vệ trẻ em đặc biệt là nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 và hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 thông qua những việc làm thiết thực, bằng nhiều hoạt động cụ thể như trên để đem lại cho tất cả các trẻ em có một ngày Quốc tế Thiếu nhi thật ấm áp, ý nghĩa, trọn vẹn và hạnh phúc, vì: “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, trẻ em là tương lai của đất nước, của thế giới và trẻ em "như búp trên cành" luôn luôn phải được che chở, chăm sóc và nâng niu để nở hoa tươi thắm, khỏe mạnh và tỏa hương cho đời./.