Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBPN) và bình đẳng giới (BĐG) tỉnh An Giang báo cáo kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024, cụ thể như sau:
1. Kết quả đạt được:
- Triển khai chủ trương, chính sách, pháp luật, chương trình liên quan tới công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới
Căn cứ chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam tại Chương trình công tác năm 2024, Ban VSTBPN và BĐG tỉnh đã triển khai, hướng dẫn Ban VSTBPN các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Ban VSTBPN và BĐG các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch, chương trình công tác để triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn tại đơn vị, địa phương đảm bảo đạt hiệu quả.
Tiếp tục triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết 11-NQ/TW gắn với việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ; Nghị định số 48/2009/NĐ-CP ngày 19/5/2009 về các biện pháp đảm bảo bình đẳng giới, Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017- 2025”, Quyết định số 938/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027”, Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025”, Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ về ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, Quyết định số 2232/QĐ-TTg ngày 28/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025”,… cụ thể các nội dung hoạt động phù hợp với công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ trong các ngành, lĩnh vực phụ trách.
- Công tác phối hợp các ngành liên quan triển khai các hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới: Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách pháp luật, cập nhật thông tin về trẻ em, về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ trong tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan hành chính, ban, ngành, đoàn thể.
- Công tác cán bộ nữ: Sở Nội vụ tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai, theo dõi tiến độ thực hiện Quyết định số 238/QĐ-UBND ngày 14/02/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Kế hoạch thực hiện số 2282/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030” đối với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 238/QĐ-UBND của UBND tỉnh cho phù hợp với đặc điểm tình hình tại cơ quan, đơn vị.
- Công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em : Tiếp tục duy trì các mô hình “Ngăn ngừa giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới” tại huyện Chợ Mới, An Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên nhằm hạn chế tình trạng bạo lực xảy ra, mọi người dân đều nâng cao ý thức về bình đẳng giới, cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ và bình đẳng. Trong năm 2024, nhân rộng thêm 05 địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh ở các xã nông thôn mới theo lộ trình tại các huyện Châu Thành, Châu Phú và Tân Châu. Đến nay có 81 mô hình địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh trên địa bàn tỉnh.
- Công tác nâng cao năng lực thực hiện công tác VSTBPN và BĐG
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức 01 Hội nghị triển khai công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới năm 2024 với hơn 100 người tham dự; 01 Hội thảo, Tọa đàm thúc đẩy về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới cho cán bộ nữ và hưởng ứng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/2024 với 120 người; 04 lớp tập huấn các kiến thức về bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới các huyện, thị xã, thành phố với hơn 250 người tham dự, 04 lớp Hội thảo, Tập huấn công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ năm 2024 với hơn 320 người tham dự; tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 cho cán bộ, người dân trong cộng đồng tại các xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao với 100 người/xã tham dự.
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố tổ chức/phối hợp các ngành liên quan tuyên truyền lồng ghép về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, phòng chống mua bán người, phòng chống xâm hại, bạo lực phụ nữ và trẻ em gái, chăm sóc sức khỏe sinh sản,… bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như hơn 2.500 cuộc tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề, tập huấn với hơn 30.000 người tham dự là cán bộ, học sinh, người dân trong cộng đồng; xe thông tin lưu động 05 lượt; hơn 2.000 pano, băng rôn, tờ rơi; hơn 500 tin, bài tuyên truyền được phát sóng thường xuyên trên đài truyền thanh cấp xã.
- Tổ chức bộ máy làm công tác VSTBPN và BĐG: Số lượng cán bộ làm công tác bình đẳng giới cấp tỉnh (kiêm nhiệm 1-3 lĩnh vực) là 03 người Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Phòng Trẻ em và Bình đẳng giới phụ trách). Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh có phân công chuyên viên kiêm nhiệm theo dõi, thực hiện công tác bình đẳng giới của đơn vị.
Số lượng cán bộ làm công tác bình đẳng giới cấp huyện (kiêm nhiệm thêm từ 2-4 lĩnh vực khác của ngành) là 22 người gồm 01 lãnh đạo và 01 chuyên viên của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội của 11 huyện, thị xã, thành phố.
Số lượng cán bộ làm công tác bình đẳng giới cấp xã (kiêm nhiệm thêm từ 2-4 lĩnh vực khác của ngành) tại 156 xã, phường, thị trấn là 312 người gồm 01 lãnh đạo và 01 cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ/Lao động - Thương binh và Xã hội/Văn hóa xã hội/Gia đình trẻ em - Bình đẳng giới tại UBND xã, phường, thị trấn.
2. Thuận lợi
- Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện công tác VSTBPN và BĐG xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển mọi mặt của tỉnh với chức năng, nhiệm vụ được giao các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đều xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động VSTBPN và BĐG.
- Công tác VSTBPN và BĐG các cấp, các ngành được củng cố, kiện toàn. Từ đó công tác tuyên truyền các văn bản pháp luật liên quan đến công tác này ngày càng được đẩy mạnh.
- Nhận thức của bản thân phụ nữ về vai trò, vị trí trong gia đình và xã hội đã có nhiều tiến bộ, nhất là nữ cán bộ, công chức, viên chức, nữ doanh nhân, nữ trí thức, cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ. Ngày nay có nhiều phụ nữ nỗ lực, tự tin vươn lên, khẳng định mình trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; trình độ học vấn, năng lực chuyên môn, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên.
3. Khó khăn
- Triển khai công tác VSTBPN và BĐG tại một số đơn vị, địa phương còn mang tính hình thức, chưa được quan tâm lồng ghép vào trong các hoạt động để đạt được hiệu quả mong muốn.
- Cán bộ nữ tham gia vào cấp ủy, lãnh đạo, quản lý các đơn vị có tỷ lệ còn
thấp, chưa tương xứng với năng lực và sự phát triển của lực lượng lao động nữ.
- Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới đã được đẩy mạnh tuy nhiên chưa sâu còn hạn chế về tài liệu, ngôn ngữ đối với một bộ phận người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, công tác kiểm tra hoạt động VSTBPN và BĐG chưa được duy trì thường xuyên.
- Về đội ngũ cán bộ làm công tác VSTBPN và BĐG tại các sở, ban, ngành, địa phương thường xuyên thay đổi và phần lớn kiêm nhiệm nên hạn chế về kiến thức, kinh nghiệm trong triển khai thực hiện và tham mưu công tác bình đẳng giới tại các địa phương.
- Việc bố trí kinh phí hoạt động nhiều địa phương bố trí kinh phí còn quá thấp nên công tác BĐG chưa rõ nét.
- Về công tác thống kê, tổng hợp, báo cáo còn gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập số liệu từ các ngành có liên quan về các chỉ số thực hiện các mục tiêu BĐG (phần lớn các cơ quan, đơn vị cấp huyện chưa thực hiện công tác thống kê có sự tách biệt giới, dẫn đến khó khăn trong quá trình cập nhật, thống kê các số liệu).
4. Đề xuất, kiến nghị
- Xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn thực hiện BĐG và lồng ghép giới trong từng lĩnh vực; xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, đa dạng các sản phẩm và nội dung trruyền thông phù hợp cho từng nhóm đối tượng (lãnh đạo quản lý, cán bộ bình đẳng giới, cộng tác viên, cơ sở cung cấp dịch vụ, người dân,…).
- Tăng cường hoạt động kiểm tra việc thực hiện pháp luật, chính sách về bình đẳng giới, trong đó chú trọng việc phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.
- Đẩy mạnh các hoạt động giám sát, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng các Luật.
- Quan tâm và dành tỷ lệ kinh phí phù hợp cho công tác VSTBPN và BĐG trong quá trình xem xét, thông qua ngân sách nhà nước.