|

Bảo trợ xã hội

An Giang triển khai chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định số 20

 Để đảm bảo thực hiện đúng, đủ, minh bạch và kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và Thông tư số 02/2021/TT-BLĐTBXH ngày 24/6/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 20 trên địa bàn tỉnh. Ngày 19/7/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành văn bản số 718/UBND-KGVX để triển khai thực hiện chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh theo quy định của Nghị định số 20.

Theo đó, việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội phải đảm bảo nguyên tắc: kịp thời, công bằng, công khai, minh bạch; hỗ trợ theo mức độ khó khăn và ưu tiên tại gia đình, cộng đồng nơi sinh sống của đối tượng; thay đổi theo điều kiện kinh tế của tỉnh và mức sống tối thiểu dân cư từng địa phương theo giai đoạn. Khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức và cá nhân nuôi dưỡng, chăm sóc và trợ giúp đối tượng trợ giúp xã hội.

Mức chuẩn trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh áp dụng theo mức chuẩn quy định tại Nghị định số 20 là 360.000 đồng/tháng, thực hiện kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2021. Có 08 nhóm đối tượng (hưởng theo hệ số nhân với mức chuẩn) được điều chỉnh hưởng theo quy định tại Điều 5, Nghị định 20 cụ thể:

1. Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng (Khoản 1, Điều 5, Nghị định 20): Dưới 04 tuổi là 900.000 đồng/tháng (hệ số 2,5). Từ đủ 04 tuổi đến dưới 16 tuổi  là 540.000 đồng/tháng (hệ số 1,5).    

2. Người thuộc nhóm trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng mà đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất (Khoản 2, Điều 5, Nghị định 20) thì tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng tối đa không quá 22 tuổi là 540.000 đồng/tháng (hệ số 1,5).  

3. Trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo (Khoản 3, Điều 5, Nghị định 20): Dưới 04 tuổi là 900.000 đồng/tháng (hệ số 2,5). Từ đủ 04 tuổi đến dưới 16 tuổi là 720.000 đồng/tháng (hệ số 2,0).   

4. Người đơn thân thuộc hộ nghèo, cận nghèo đang nuôi con ( Khoản 4, Điều 5, Nghị định 20)  là 370.000 đồng/tháng (hệ số 1,0).

5. Người cao tuổi (Khoản 5, Điều 5, Nghị định 20):

5.1. Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng (Điểm a, Khoản 5, Điều 5, Nghị định 20): Từ đủ 60 tuổi đến 80 tuổi là 540.000 đồng/tháng (hệ số 1,5). Từ đủ 80 trở lên là 720.000 đồng/tháng (hệ số 2,0);

5.2. Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc diện quy định tại Điểm a, Khoản 5, Điều 5, Nghị định 20, đang sống tại địa bàn các xã, ấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn  là 360.000 đồng/tháng (hệ số 1,0);

5.3. Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định tại Điểm a, Khoản 5, Điều 5, Nghị định 20 mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng là 360.000 đồng/tháng (hệ số 1,0);

5.4. Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng là 1.080.000 đồng (hệ số 3,0).

6. Người khuyết tật nặng là 540.000đồng/tháng (hệ số 1,5); Người khuyết tật đặc biệt nặng là 720.000đồng/tháng (hệ số 2,0); Người khuyết tật nặng là người cao tuổi, trẻ em là 720.000đồng/tháng (hệ số 2,0); Người khuyết tật đặc biệt nặng là người cao tuổi, trẻ em là 900.000đồng/tháng (hệ số 2,5).

7. Trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc đối tượng quy định tại các Khoản 1, Khoản 3, Khoản 6, Điều 5 Nghị định 20 đang sống tại địa bàn các xã, ấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn là 540.000đồng/tháng (hệ số 1,5).

8. Người nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo không có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng như tiền lương, tiền công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng là 540.000đồng/tháng (hệ số 1,5).

Các chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh áp dụng theo mức tối thiểu, đúng đối tượng, quy trình, thủ tục, tuân thủ theo các quy định tại Nghị định số 20 và Thông tư số 02. Riêng việc trợ giúp xã hội khẩn cấp quy định tại Điều 12 Nghị định số 20 được hỗ trợ 15 kg gạo/người/tháng trong thời gian 01 tháng cho mỗi đợt hỗ trợ đối với các đối tượng thuộc hộ thiếu đói dịp Tết âm lịch; hỗ trợ không quá 3 tháng cho mỗi đợt hỗ trợ cho đối tượng thiếu đói do thiên tai, hỏa hoạn, mất mùa, giáp hạt hoặc lý do bất khả kháng khác từ nguồn lực của địa phương và nguồn dự trữ quốc gia.

Đối với các đối tượng đang hưởng chính sách trợ giúp xã hội theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội sẽ được chuyển sang mức chuẩn trợ giúp xã hội và hệ số tương ứng quy định của Nghị định số 20 kể từ ngày 01/7/2021. Trường hợp đối tượng trợ giúp xã hội phát sinh sau ngày 01/7/2021 thì tính từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định.

UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan quán triệt và triển khai thực hiện đúng, đủ các chính trợ giúp xã hội theo quy định Nghị định số 20 và giao trách nhiệm cụ thể nhằm bảo đảm triển khai chính sách trợ giúp xã hội kịp thời, công khai, minh bạch, hạn chế sai sót, trùng lắp trong quá trình tổ chức thực hiện.

Mặc dù hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng với sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và việc ban hành, cụ thể hóa kịp thời các chính sách an sinh xã hội của Trung ương và địa phương đã thể hiện tinh thần nhân văn của dân tộc Việt Nam ngàn năm văn hiến, phát huy bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo tốt nhất an sinh xã hội cho tất cả mọi người để không ai bị bỏ lại phía sau./.