|

Giáo dục nghề nghiệp

An Giang tăng cường hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động

Thời gian qua, tỉnh tập trung tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền; tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng, tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp, cũng như các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề; quảng bá, thông tin và kế hoạch đào tạo, xu hướng đào tạo của các cơ sở GDNN. Đặc biệt tổ chức đào tạo nghề nghiệp gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền các cấp, với cơ sở GDNN, sự tham gia của doanh nghiệp. Trong đósự tham gia của doanh nghiệp trong việc tiếp nhận lao động sau học nghề; bao tiêu sản phẩm người lao động làm ra; hỗ trợ máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu, vùng nuôi trồng … là các yếu tố quan trọng góp phần mang lại hiệu quả cao trong nâng cao chất lượng nguồn lực tại các địa phương.

Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trong đó có chính sách đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp trình độ sơ cấp, thường xuyên dưới 03 tháng theo Quyết định số 1593/QĐ-UBND, từ năm 2015 - 2019 chính là đòn bẩy tác động lớn đến kết quả đào tạo nghề toàn tỉnh. Từ khi chính sách được ban hành, toàn tỉnh đã ký hợp đồng với 19 doanh nghiệp tổ chức đào tạo cho 7.940 người, kinh phí hỗ trợ trên là 9,5 tỷ đồng; trình độ trung cấp theo Quyết định số 3373/QĐ-UBND, trong năm 2018, 2019, phối hợp với Công ty Cổ phần Nam Việt tổ chức đào tạo 03 lớp nghề trung cấp Nuôi trồng thủy sản nước ngọt, 77 học sinh, kinh phí hỗ trợ trên 1,1 tỷ đồng, tổ chức đào tạo tại vùng nuôi trồng công nghệ cao của công ty tại huyện Châu Phú.

Sau khi tốt nghiệp các doanh nghiệp tiếp nhận từ 90 - 100% học sinh, người  lao động vào làm việc tại doanh nghiệp, mức lương khởi điểm từ 5 - 6 triệu đồng/tháng/người. Bên cạnh đó, hầu hết người học nghề Nuôi trồng thủy sản là lao động tại địa phương nơi công ty đầu tư vùng nuôi nên không cần phải ly hương để kiếm việc làm từ đó sớm ổn định đời sống, góp phần nâng cao điều kiện kinh tế của bản thân và gia đình.

Nhằm phát huy hiệu quả đào tạo nghề gắn với các doanh nghiệp trong thời qua cũng như triển khai, thực hiện chính sách hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng người lao động có kỹ năng nghề phù hợp với việc chuyển đổi cơ cấu, công nghệ của doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, cũng như khôi phục sản xuất, kinh doanh sau đại dịch theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tỉnh An Giang khẩn trương triển khai thực hiện hỗ trợ người lao động; các doanh nghiệp, người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động:

- Tăng cường, phối hợp tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg trên các phương tiện truyền thông đại chúng, qua website, mạng xã hội, tuyên truyền trực tiếp,... đến các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn huyện, thị, thành phố và tỉnh.

- Tổ chức thực hiện:

Các doanh nghiệp, người sử dung lao động đảm bảo các điều kiện theo quy định: Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; phải thay đổi cơ cấu, công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động năm 2019; có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với doanh thu cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020; có phương án hoặc phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Mức hỗ trợ kinh phí tối đa 1.500.000 đồng/người; thời gian hỗ trợ: tối đa 06 tháng; chi trả trực tiếp cho người sử dụng lao động theo phương án hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề được phê duyệt; kinh phí chi trả từ nguồn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường hỗ trợ người lao động có tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi bị mất việc làm sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề từ nguồn kinh phí Quỹ bảo hiểm thất nghiệp do Bảo hiểm xã hội chi trả thông qua các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; mức hỗ trợ học nghề cho người lao động tham gia khóa đào tạo đến 3 tháng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/tháng, tham gia khóa đào tạo trên 03 tháng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng, mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tuỳ theo từng nghề, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế theo quy định của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng không quá 06 tháng.

- Sở LĐTBXH đã ban hành văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp, người sử dụng lao động tổ chức thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; phân công bộ phận hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời cho người lao động; các doanh nghiệp, người sử dụng lao động khi nhận được đề nghị, phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề theo quy định, qua số điện thoại: 02963.857601, đồng thời tiếp nhận qua email: dayngheangiang@gmail.com.