|

Bảo Vệ Chăm Sóc Trẻ Em

Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh An Giang

Thời gian gần đây, những vụ xâm hại tình dục xảy ra liên tiếp đối với trẻ em ở một số địa bàn đã khiến nhiều phụ huynh lo lắng không yên tâm. Vì vậy, các phụ huynh cũng cần được biết những quy tắc cơ bản để giúp trẻ phòng chống bị xâm hại tình dục.


Xâm hại tình dục trẻ em gây ra những tổn thương nghiêm trọng và lâu dài cả về thể chất và tâm lý đối với nạn nhân trẻ em. Những hậu quả của xâm hại trẻ em còn làm ảnh hưởng đến gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Tuy nhiên, trẻ em không bao giờ có lỗi trong việc bị xâm hại, ngay cả khi việc này làm ảnh hưởng tới gia đình và cộng đồng.


Trong thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em như: Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về kỹ năng phòng tránh xâm hại trẻ em cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh; tổ chức hội thi vẽ tranh về phòng tránh đuối nước và xâm hại trẻ em, triển khai các quy trình phối hợp xử lý các trường hợp trẻ em bị xâm hại; xây dựng các chuyên mục bảo vệ trẻ em mỗi tháng phát 02 kỳ trên sóng Đài phát thanh - Truyền hình An Giang và Báo An Giang, tham vấn tư vấn trức tiếp qua Tổng đài 111,…


Các giải pháp phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh An Giang cần quan tâm thực hiện những nội dung sau đây:


1. Tăng cường chỉ đạo việc thiết lập cơ cấu tổ chức nhân lực bảo vệ trẻ em các cấp, đặc biệt là Ban bảo vệ trẻ em cấp xã phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của Ban và các thành viên trong Ban. Nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành về công tác trẻ em và Ban bảo vệ trẻ em cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, cơ sở về công tác phòng ngừa bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.


2. Đẩy mạnh các hoạt động xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em; trường học an toàn, thân thiện với trẻ em; cộng đồng an toàn thân thiện với trẻ em.


3. Lồng ghép các hoạt động bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực xâm hại tình dục trẻ em với các chương trình giảm nghèo, hỗ trợ về sinh kế, việc làm, thu nhập cho các gia đình nghèo có trẻ em. Lồng ghép các hoạt động bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em với phòng trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở thôn, xóm, ấp, bản, khu dân cư; xây dựng gia đình văn hóa. Xây dựng và nhân rộng mô hình câu lạc bộ ông, bà, cha, mẹ mẫu mực, con cháu chăm ngoan. Lồng ghép các hoạt động cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em với các hoạt động trong các chương trình y tế, giáo dục và phòng chống tội phạm do các Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Công an hiện đang chủ trì.


4. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.


5. Tiếp tục hoàn thiện luật pháp, chính sách về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực xâm hại tình dục trẻ em; xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em trong trường hợp trẻ em cần sự bảo vệ khẩn cấp; xây dựng và ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và khung giá dịch vụ bảo vệ trẻ em; khuyến khích khu vực tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.


6. Phát triển dịch vụ bảo vệ trẻ em trên các lĩnh vực phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục và tư pháp; chú trọng dịch vụ bảo vệ trẻ em tại gia đình, trường học và bệnh viện.


Tóm lại, phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em có hiệu quả cần phải tiếp cận một cách hệ thống, toàn diện, đa ngành và phải dựa trên quyền của trẻ em./.