|

Phòng chống tệ nạn xã hội

Tăng cường phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán người

Ngày 09 tháng 01 năm 2019, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành công văn số 17/UBND-KGVX về việc tăng cường phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán người.

Thực hiện Văn bản số 1526/KN-UBTP ngày 28/9/2018 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIV về kiến nghị thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người và Văn bản số 1656/LK-UBVDDXH14 ngày 10/10/2018 của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIV về kết luận phiên họp giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước và phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình; Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang vừa ban hành công văn số 17/UBND-KGVX về việc tăng cường phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán người.

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các Sở, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, triển khai thực hiện một số nội dung sau:

1. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 06/KH-UBND ngày 09/3/2011 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới"; Quyết định số 134/QĐ-UBND ngày 23/01/2014 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án Giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020; Kế hoạch số 77/KH-UBND ngày 05/12/2014 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020; Kế hoạch số 225/KH-UBND ngày 11/5/2016 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch số 474/KH-UBND ngày 16/8/2017 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống tội phạm đến năm 2020; Kế hoạch số 756/KH-UBND ngày 26/11/2018 của UBND tỉnh về thực hiện Dự án đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán người…

2. Đề nghị các cơ quan chức năng như: Sở Tư pháp; Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Sở Giáo dục và Đào tạo; Công an tỉnh; Sở Thông tin và Truyền thông; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; Hội Nông dân; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang; Báo An Giang… tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Hôn nhân - Gia đình… Chú trọng nội dung giáo dục về đạo đức, lối sống văn hoá trong gia đình, trách nhiệm của các thành viên trong việc xây dựng gia đình “Nói không với bạo lực gia đình”; phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người, tác hại của tội phạm mua bán người, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc phát hiện, ngăn chặn và tố giác các hành vi bạo lực gia đình, mua bán người nhằm phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng bạo lực gia đình, mua bán người xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh.

3. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 nhằm không ngừng nâng cao và cải thiện thu nhập, mức sống, nâng cao trình độ văn hóa, nhận thức của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế khó khăn, giúp người dân phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống để nâng cao khả năng tự phòng, góp phần ngăn chặn nguyên nhân phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật về bạo lực gia đình, mua bán người.

4. Làm tốt công tác nắm tình hình, rà soát, lên danh sách các đối tượng có hành vi bạo lực gia đình, mua bán người, nhất là người có tiền án, tiền sự về hành vi bạo lực gia đình, người nghiện rượu, ma túy, đánh bạc, mua bán người… lập hồ sơ và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để quản lý đối tượng.

5. Xây dựng hộp thư tố giác tội phạm, thiết lập và thông báo cho nhân dân biết về số điện thoại đường dây nóng về phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán người. Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đối với tội phạm và vi phạm pháp luật về bạo lực gia đình, mua bán người, tiến hành điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật. Duy trì, củng cố các địa chỉ tin cậy ở cơ sở khi bị bạo lực gia đình.

6. Lực lượng Công an thực hiện tốt công tác quản lý cư trú, xuất nhập cảnh; quản lý các cơ sở đầu tư, kinh doanh có điều kiện về ANTT; quản lý đối tượng, địa bàn, tập trung chủ yếu vào các xã khu vực biên giới và nắm tình hình môi giới hôn nhân có yếu tố nước ngoài và cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài. Phối hợp với các ngành có liên quan kịp thời phát hiện, điều tra, xác minh, làm rõ, xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến bạo lực gia đình, mua bán người, nhất là đối với các nhóm hành vi bạo hành về thể xác gây tổn hại đến sức khỏe, tinh thần đối với nạn nhân, mua bán phụ nữ, trẻ em.

7. Đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) khẩn trương điều tra, truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án về bạo lực gia đình, mua bán người nhằm giáo dục, răn đe các loại tội phạm này.

8. Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, bị bạo lực gia đình, tạo điều kiện cho họ tái hòa nhập, ổn định cuộc sống.

9. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán người và các kế hoạch thực hiện Hiệp định giữa Việt Nam với Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia về tăng cường hợp tác phòng, chống mua bán người./.