|

Người có công

Kết quả khảo sát mức sống hộ gia đình người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2021

Sau thời gian triển khai thực hiện Phương án điều tra, thống kê mức sống đối với hộ gia đình người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ (gọi tắt là NCC) trong tỉnh An Giang năm 2021, đến nay đã hoàn thành đúng tiến độ theo kế hoạch. Cuộc điều tra thực hiện qua phiếu điện tử, ban đầu có nhiều khó khăn nhất là đối với điều tra viên (cấp xã), tuy nhiên, quá trình thực hiện, các tổ chức, cá nhân đều tham gia tích cực, thể hiện tốt tinh thần trách nhiệm, bằng nhiều phương pháp, tranh thủ thời gian để thu thập thông tin, đạt hiệu quả đúng thời gian, yêu cầu.


Kết quả có 8.577 hộ NCC được điều tra, thống kê về mức sống;  trong đó 5.184  hộ đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng (60,44 %), 3.393 hộ đã hưởng chế độ trợ cấp một lần (39,56%). Số hộ NCC trong tỉnh thực tế cao hơn rất nhiều, tuy nhiên, do Phương án này tập trung thực hiện đối với hộ có NCC đang sinh sống, hưởng trợ cấp và có mặt tại địa phương trong thời gian cấp xã tiến hành điều tra. Một số NCC đi làm ăn xa tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương,... hoặc Campuchia, do dịch bệnh COVID-19 bùng phát, hầu hết họ không về được địa phương nên điều tra viên không thu thập được thông tin đánh giá mức sống.


Trong số 8.577 hộ NCC này, có 2.829 hộ NCC là nữ, chiếm tỷ lệ 33%; 489 hộ NCC là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 5,7 %; 4.257 hộ NCC có tôn giáo chiếm tỷ lệ 49,6 %. NCC có nguyện vọng để nâng cao mức sống như sau: 814 hộ nhu cầu về nhà ở (chiếm 9,49 %); 172 hộ có nguyện vọng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe (chiếm 2%); 96 hộ về đào tạo nghề - giải quyết việc làm (chiếm 1,12%); 620 hộ muốn vay vốn làm ăn (chiếm 7,23 %); 85 hộ muốn tăng chất lượng thông tin (chiếm gần 01 %); 50 hộ muốn hỗ trợ thẻ BHYT (chiếm 0,58 %). Quan trọng nhất cuộc khảo sát này đã tương đối phân loại được mức sống của hộ NCC trên địa bàn. Theo đó, 83 hộ thuộc diện nghèo, chủ yếu là NCC được trợ cấp một lần (chiếm 0,97%); 505 hộ có mức sống cận nghèo (chiếm 5,89 %); 4.447 hộ có mức sống trung bình bằng với mức sống người dân nơi cư trú (chiếm 51,85 %) và còn lại 3.542 hộ có hoàn cảnh kinh tế từ khá trở lên (chiếm 41,29 %).


Tại An Giang, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng nói chung luôn được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp, hỗ trợ tốt của các ngành các cấp liên quan. Trên cơ sở đó, toàn ngành Lao động-Thương binh và Xã hội luôn tập trung thực hiện kịp thời, đúng, đủ các chế độ ưu đãi đối với người có công theo quy định pháp luật, tập trung một số chính sách chủ yếu sau:
- Chế độ ưu đãi: Trợ cấp hàng tháng, phụ cấp hàng tháng trên 7.200 người có công. Riêng bà mẹ Việt Nam anh hùng còn được các Doanh nghiệp Nhà nước trong tỉnh nhận phụng dưỡng hàng tháng đến cuối đời từ 500.000 đồng/tháng trở lên; Bà mẹ bệnh nặng được Tỉnh ủy hỗ trợ 1.0 mức lương tối thiểu/tháng;.... Trợ cấp một lần hàng năm trên 10.000 người có công và thân nhân; trợ cấp quà Tết trên 43.000 lượt người có công; trợ cấp quà Lễ 27/7 trên 28.000 lượt người có công...


- Chăm sóc sức khỏe: thực hiện chế độ bảo hiểm y tế trên 20.000 người có công và thân nhân được nhận chế độ này hàng năm, hiện nay, tất cả người có công, thân nhân liệt sĩ và một số thân nhân của người có công đều được cấp thẻ Bảo hiểm y tế theo pháp luật quy định (trừ diện bảo hiểm y tế bắt buộc). Đối với chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe: người có công và thân nhân liệt sĩ thuộc đối tượng quy định đều được hưởng chế độ điều dưỡng, gồm 2 mức: người tham gia đi điều dưỡng tập trung là 2.220.000 đồng/người/niên hạn; người đăng ký điều dưỡng tại gia đình là 1.110.000 đồng/người/niên hạn (nguồn kinh phí Trung ương thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng).


- Hỗ trợ nhà ở: Đến cuối năm 2020, tỉnh An Giang đã hoàn thành việc triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, tính từ năm 2013 đến năm 2020; kết quả đã hỗ trợ xây mới 3.792 căn, sửa chữa 2.680 căn, góp phần ổn định nhà ở cho 6.472 hộ người có công với cách mạng trong toàn tỉnh; bên cạnh, hàng năm trên 100 căn nhà tình nghĩa được xây mới hoặc sửa chữa từ nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của UBND các cấp quản lý.


- Chế độ ưu đãi giáo dục-đào tạo: được thực hiện trên 2.500 học sinh, sinh viên là con của người có côngtheo quy định. Bên cạnh, hàng trăm trường hợp gia đình chính sách người có công được ưu tiên trong học nghề, tuyển sinh, việc làm hàng năm;...
Đánh giá nguyên nhân người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh còn 6,86% (588) hộ người có công có mức sống dưới trung bình (cận nghèo, nghèo), là do áp dụng theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 27/01/2021 quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 (có hiệu lực từ ngày 15/3/2021, áp dụng cho giai đoạn 2022-2025). Theo tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều mới: tiêu chí về thu nhập ở khu vực nông thôn: 1.500.000 đồng/người/tháng; khu vực thành thị: 2.000.000 đồng/người/tháng (tăng cao so với quy định cũ). Bên cạnh, còn đánh giá dựa trên tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, gồm: việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin).


Trong 588 hộ người có công có mức sống cận nghèo, nghèo, thì có 367 hộ người có công hưởng trợ cấp 1 lần (chiếm 62,41%); 221 hộ người có công hưởng trợ cấp hàng tháng (chiếm 37,59%): trong đó, người có công Huân chương (108 hộ), Thương binh (72 hộ), thân nhân liệt sĩ (20 hộ), người bị tù đày (15 hộ)... Trợ cấp hàng tháng của người có công theo quy định pháp luật phần lớn cao hơn chuẩn nghèo, nhưng vẫn có một số chế độ (trợ cấp 1 lần trung bình 01 triệu đồng, trợ cấp hàng tháng của người có công Huân chương 955.000 đồng/tháng, người bị tù đày 974.000 đồng/tháng,...) vẫn còn thấp so với chuẩn nghèo theo Nghị định 07. Bên cạnh, hầu hết những hộ người có công này chỉ có trợ cấp người có công là nguồn thu nhập chính, phải nuôi nhiều nhân khẩu còn lại trong gia đình, dẫn đến thu nhập bình quân của hộ thấp.


Điều đáng mừng qua kết quả điều tra là tất cả hộ người có công hưởng đúng, đủ các chế độ chính sách ưu đãi theo quy định pháp luật, trên 93% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú, đời sống người có công với cách mạng của tỉnh An Giang rất ổn định, tự lực vượt khó vươn lên, không trông chờ chính sách của nhà nước.


Trên cơ sở kết quả số liệu điều tra, thống kê thực trạng mức sống người có công trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2021, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp các ngành, các cấp liên quan tham mưu, đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm giải quyết các khó khăn vướng mắc, đạt mục tiêu nâng cao mức sống của hộ  người có công tỉnh An Giang bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú trong giai đoạn 2021-2025, nhằm thực hiện đạt hiệu quả cao Chỉ thị 14-CT/TW và Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2020 – 2025./.

 


Các tin đã đưa