|

Người có công

An Giang tăng cường công tác chăm lo đời sống của người có công với cách mạng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương

Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng quy định người có công với cách mạng (NCC) bao gồm 12 nhóm đối tượng sau: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; Liệt sĩ; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; Bệnh binh; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học; Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; Người có công giúp đỡ cách mạng. Thân nhân của NCC là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi); Riêng thân nhân liệt sĩ còn là người có công nuôi dưỡng liệt sĩ.

Chế độ ưu đãi đối với NCC và thân nhân được pháp luật quy định Nhà nước, xã hội quan tâm chăm sóc, giúp đỡ, tùy từng đối tượng được hưởng các chế độ ưu đãi sau đây: Trợ cấp hàng tháng, phụ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần; Bảo hiểm y tế; Điều dưỡng phục hồi sức khỏe; Nhà nước có chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ có khó khăn về nhà ở và huy động sự tham gia của xã hội, gia đình người có công với cách mạng; Được ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm; được hỗ trợ để theo học tại cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đến trình độ đại học.

Hiện nay, An Giang quản lý và thực hiện chính sách ưu đãi trên 38.000 NCC, trong đó trên 9.000 liệt sĩ, 750 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trên 5.500 thương binh, gần 400 bệnh binh, trên 300 người được công nhận hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945, trên 250 người được xác nhận hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945, hơn 900 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày và trên 3.200 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc đã được giải quyết trợ cấp một lần, trên 15.600 NCC giúp đỡ cách mạng được xác nhận, trên 420 người hoạt động kháng chiến và 100 con đẻ của họ được xác nhận, khoảng 1.200 người trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước được hưởng trợ cấp một lần theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08/11/2005 và Quyết định số 188/2007/QĐ-TTg ngày 06/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ,....

Được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, toàn ngành Lao động-Thương binh và Xã hội An Giang luôn tập trung thực hiện tốt, đúng, đủ các chế độ ưu đãi đối với NCC và thân nhân theo quy định pháp luật, cụ thể:

1. Trợ cấp hàng tháng, phụ cấp hàng tháng trên 7.200 NCC. Riêng bà mẹ Việt Nam anh hùng còn được các Doanh nghiệp Nhà nước trong tỉnh nhận phụng dưỡng hàng tháng đến cuối đời từ 500.000 đồng/tháng trở lên; Bà mẹ bệnh nặng được Tỉnh ủy hỗ trợ 1.0 mức lương tối thiểu/tháng;....

2. Trợ cấp một lần hàng năm trên 10.000 NCC và thân nhân; trợ cấp quà Tết trên 43.000 lượt NCC; trợ cấp quà Lễ 27/7 trên 28.000 lượt NCC;....

3. Đối với chế độ bảo hiểm y tế: trên 20.000 NCC và thân nhân được nhận chế độ này hàng năm. Hiện nay, tất cả NCC, thân nhân liệt sĩ và một số thân nhân của NCC đều được cấp thẻ Bảo hiểm y tế theo pháp luật quy định (trừ diện bảo hiểm y tế bắt buộc).

4. Đối với chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe: NCC và thân nhân liệt sĩ thuộc đối tượng quy định đều được hưởng chế dộ điều dưỡng, gồm 2 mức: người tham gia đi điều dưỡng tập trung là 2.220.000 đồng/người/niên hạn; người đăng ký điều dưỡng tại gia đình là 1.110.000 đồng/người/niên hạn (nguồn kinh phí Trung ương thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng).

5. Hỗ trợ nhà ở hộ gia đình người có công với cách mạng: Tỉnh An Giang hoàn thành việc triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, tính từ năm 2013 đến năm 2020, đã hỗ trợ xây mới 3.792 căn, sửa chữa 2.680 căn, góp phần ổn định nhà ở cho 6.472 hộ người có công với cách mạng trong toàn tỉnh. Song song đó, hàng năm có khoảng 100 căn nhà tình nghĩa được xây mới hoặc sửa chữa từ nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của UBND các cấp quản lý.

6. Chế độ ưu đãi giáo dục-đào tạo được thực hiện trên 2.500 học sinh, sinh viên là con của NCCtheo quy định. Bên cạnh, hàng trăm trường hợp gia đình chính sách NCC được ưu tiên trong học nghề, tuyển sinh, việc làm hàng năm.

Nhìn chung, các chính sách ưu đãi đối với bản thân NCC và thân nhân đều được ngành Lao động-Thương binh và Xã hội tham mưu UBND cùng cấp triển khai thực hiện tốt, đúng theo quy định, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần NCC và thân nhân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua./.


Các tin đã đưa