|

Đảng - Đoàn thể

“Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân An Giang học tập, vận dụng tư duy độc lập, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay”

Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh được rút ra từ thực tiễn cách mạng, từ sự kế thừa, kết hợp và phát triển những giá trị nhân văn của dân tộc và thời đại mà đỉnh cao là chủ nghĩa Mác – Lênin; phản ánh tình yêu thương, quý trọng, quan tâm, bao dung, độ lượng đến con người và niềm tin vững chắc vào thành công của cách mạng. Tư tưởng, tấm lòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhà thơ Tố Hữu khái quát đạt đến độ cô đúc, chính xác và giản dị như một chân lý qua câu thơ: “Bác ơi, tim Bác mênh mông thế. Ôm cả non sông, mọi kiếp người” trong bài thơ “Bác ơi”.

Những tư tưởng nhân văn cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, gia đình liệt sĩ.

Sinh thời, trong suốt cuộc đời mình Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình yêu thương vô hạn và sự trân quý với tất cả mọi người, nhưng đối với thương binh, liệt sĩ, Người luôn dành những tình cảm đặc biệt và hơn ai hết, Người là tấm gương sáng thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các thương binh, liệt sĩ.

Nội dung tư tưởng, những tình cảm thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, liệt sỹ được thể hiện một cách nhất quán, xuyên suốt, cụ thể, thiết thực trong hành động, trong rất nhiều bài nói, bài viết, lời dạy, cách cư xử và muôn ngàn việc làm của Người. Người viết: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất cả mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta”. Ngày 10/3/1946, Báo Cứu quốc đăng thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Nam Bộ, có đoạn: “Tôi xin kính cẩn cúi chào vong linh các anh chị em đã bỏ thân vì nước và các đồng bào đã hy sinh trong cuộc đấu tranh cho nước nhà. Sự hy sinh đó không phải là uổng”. Ngày 7-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự lễ “Mùa đông binh sĩ” và ra “Thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi” với lời lẽ chân thành: “Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền tự do, độc lập và thống nhất của nước nhà hoặc trong thời kỳ cách mệnh hoặc trong thời kỳ kháng chiến. Tôi gửi lời chào thân ái cho các gia đình liệt sĩ đó và tôi nhận con các liệt sĩ làm con nuôi của tôi”. Tháng 6-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày nào đó trong năm làm “Ngày thương binh” để đồng bào có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, yêu mến thương binh, gia đình liệt sỹ và những người có công với đất nước. Thực hiện Chỉ thị của Người, Hội nghị trù bị họp ở xã Phú Minh (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), nhất trí lấy ngày 27-7 làm “Ngày thương binh, liệt sỹ” và tổ chức ngay lần đầu trong năm 1947. Từ đó, ngày 27-7 hằng năm trở thành “Ngày thương binh, liệt sỹ” trong cả nước. Báo Vệ quốc quân số 11, ra ngày 27/7/1947 đăng thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thường trực Ban tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc”, Người viết: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh”. Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích: “thương binh là người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đã chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”. Vào ngày 27/7/1948, Bác viết trong một lá thư: “Nạn ngoại xâm như trận lụt to đe dọa tràn ngập cả non sông Tổ quốc, đe dọa cuốn trôi cả tính mệnh, tài sản, chìm đắm cả bố, mẹ, vợ con, dân ta. Trong cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào”, “Họ quyết liều chết chống địch, để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Ngày nay, bố mẹ họ mất một người con yêu quý. Vợ trẻ trở nên bà goá. Con dại trở nên mồ côi. Trên bàn thờ gia đình thêm một linh bài tử sĩ. Tay chân tàn phế của thương binh sẽ không mọc lại được. Và những tử sĩ sẽ không thể tái sinh”.

Đều đặn hằng năm, cứ vào dịp tháng 7, Bác Hồ lại gửi thư thăm hỏi, động viên thương binh, gia đình liệt sỹ, một mặt khẳng định công lao, đóng góp của họ, một mặt động viên: “Các đồng chí đã anh dũng giữ gìn non sông, các đồng chí sẽ trở nên người công dân kiểu mẫu ở hậu phương, cũng như các đồng chí đã từng là chiến sỹ kiểu mẫu ở ngoài mặt trận”, để mỗi “thương binh tàn nhưng không phế”. Đặc biệt, ngày 31-7-1969, Bác Hồ đã tặng Huy hiệu của Người cho 10 thương binh gương mẫu, tận tụy với công tác sản xuất, lập nhiều thành tích trên mặt trận mới. Ngày 1-9-1969, chỉ trước khi Người mất một ngày, Người vẫn có vòng hoa gửi viếng các liệt sĩ tại Nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội).

Tư tưởng nhân văn cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và tấm gương của Người trong công tác thương binh, liệt sỹ  được Đảng, Nhà nước tiếp thu, vận dụng, kế thừa, phát huy và cụ thể hóa thành chủ trương, chính sách để hiện thực hóa công tác ưu đãi, chăm lo, quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của thương binh, gia đình liệt sĩ. Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước, Hội đồng Chánh phủ Cách mạng Lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam ban hành Nghị định số 08/NĐ-76 ngày 17/6/1976 về chánh sách, chế độ đối với thương binh, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ. Đến ngày 29/4/1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng và rất nhiều Nghị quyết, Nghị định, Chỉ thị, Thông tư của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các Bộ quy định, hướng dẫn, điều chỉnh các chế độ ưu đãi NCC với cách mạng. Ngày 09/12/2020 Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh ưu đãi người có công cách mạng số 02/2020/UBTVQH14 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021).

Đến nay, cả nước có khoảng 9,2 triệu người có công với cách mạng; trong đó có gần 1,4 triệu người đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng. Đời sống của người có công không ngừng được nâng lên. Theo Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, đến cuối năm 2020 cả nước có 99,7% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; 99,5% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh liệt sĩ, người có công; mức chuẩn trợ cấp hàng tháng tăng từ 1.318.000đ năm 2015 lên mức 1.624.000đ năm 2020.

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân An Giang học tập, vận dụng tư duy độc lập, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác chăm lo đối với thương binh, gia đình liệt sĩ.

An Giang hiện có khoảng 40.000 người có công (NCC) với cách mạng đã được xác nhận và giải quyết chế độ ưu đãi theo quy định, trong đó có 142 cán bộ lão thành cách mạng (LTCM), 89 cán bộ Tiền khởi nghĩa (TKN), 9.491 liệt sĩ, 751 Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH), 38 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND), 4.816 thương - bệnh binh, trên 5.500 người hoạt động kháng chiến (HĐKC), trên 18.000 NCC giúp đỡ cách mạng. Trong đó, có gần 8.000 người đang hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi hàng tháng với kinh phí khoảng 145 tỷ đồng/năm, bao gồm: 01 cán bộ LTCM, 10 cán bộ TKN, 1.140 thân nhân liệt sĩ, 20 Mẹ VNAH, 02 Anh hùng LLVTND, 2.336 thương - bệnh binh, 191 người (HĐKC) bị địch bắt tù đày, 110 người HĐKC bị nhiễm chất độc hóa học (CĐHH), 1.694 NCC giúp đỡ cách mạng, 102 con của người HĐKC bị nhiễm CĐHH, 166 người hưởng tuất (LTCM, TKN, thương-bệnh binh, CĐHH), 04 thanh niên xung phong, 78 người hưởng theo Quyết định 142, 53, 62, 42 ... số còn lại đã từ trần hoặc thuộc diện nhận trợ cấp một lần (chỉ nhận quà Tết Nguyên đán và kỷ niệm ngày 27/7 hàng năm).

Trong công cuộc đổi mới và phát triển, Đảng bộ, chính quyền An Giang không ngừng học tập, vận dng tư duy độc lập, sáng tạo, tư tưởng nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác chăm lo đối với thương binh, gia đình liệt sĩ. Đồng thời để xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Người chiến sĩ cách mạng kiên trung, nhà lãnh đạo mẫu mực, vị lãnh tụ hết lòng vì dân, vì nước, người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với tiềm lực sẵn có, nguồn lực thực tại của địa phương, bằng những sáng kiến đột phá, những tư duy, tầm nhìn chiến lược, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh An Giang đã nổ lực triển khai, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quan tâm chăm lo công tác ưu đãi, chăm sóc đời sống các gia đình có công với cách mạng trong điều kiện ngân sách tỉnh còn khó khăn. Ngoài các chế độ ưu đãi quy định chung, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản, kế hoạch triển khai các hoạt động, tổ chức các hình thức chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với gia đình có công với cách mạng, bố trí thêm nguồn ngân sách địa phương cho công tác chăm sóc sức khỏe (điều dưỡng tập trung), hỗ trợ nhà ở, mua bảo hiểm y tế, tặng quà tết Nguyên đán hàng năm, … góp phần cải thiện ngày càng cao chất lượng, đời sống NCC, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của NCC. Góp phần nâng cao mức sống và thu nhập NCC với cách mạng và thân nhân của NCC với cách mạng theo Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NCC với cách mạng, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ X, nhiệm kỳ 2016-2020. Cụ thể như:

- Về nhà ở người có công với cách mạng: Trong 8 năm (từ năm 2013 đến năm 2020), An Giang đã triển khai cất mới 4.254 căn với số tiền 213.130 triệu đồng và sửa chữa 3.037 căn với số tiền 61.040 triệu đồng, trong đó:  Ngân sách trung ương là 156.078 triệu đồng, Ngân sách tỉnh là 118.092 triệu đồng. Với số lượng nhà ở cất mới, sửa chữa từ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và theo Quyết định số 22/2013/NĐ-CP ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, đến cuối năm 2020 tỉnh không còn hộ gia đình có công có khó khăn về nhà ở.

  • Về bảo hiểm y tế: Kết hợp với ngân sách Trung ương, trong 5 năm (năm 2016 đến năm 2020) tỉnh bố trí khoảng 31.000 triệu đồng để mua bảo hiểm y tế nhóm đối tượng Cựu chiến binh (nhóm đối tượng không quy định trong Pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng). Bên cạnh đó, hằng năm ngân sách tỉnh cũng bố trí khoảng 4,2 tỷ đồng để mua bảo hiểm kết hợp đối với trên 1 ngàn cán bộ hưu trí.

- Về chăm sóc sức khỏe: Hàng năm, tỉnh tiếp nhận và phân bổ kinh phí trên 05 tỷ đồng từ Trung ương để thực hiện công tác điều dưỡng phục hồi sức khỏe khoảng 3.500 NCC (khoảng 1.000 người đi điều dưỡng tập trung, 2.500 người điều dưỡng tại gia đình). Năm 2020 Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã đề xuất UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 10/7/2020 quy định mức chi hỗ trợ chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung đối với NCC với cách mạng và thân nhân trên địa bàn tỉnh An Giang, với định mức 780.000 đồng/người/1lần để chi thêm các khoản chi phí phát sinh như tiền ăn, thuốc chữa bệnh, quà tặng, tham quan, …. Theo đó, mức chi chế độ điều dưỡng tập trung đối với NCC từ 2.220.000 đồng/người/lần (quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 53 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP) được nâng lên mức 3.000.000 đồng/người/lần, tăng 780.000 đồng/người/năm. Với mức chi tăng thêm như trên, thời gian tới tỉnh An Giang sẽ đảm bảo hiệu quả yêu cầu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe NCC với cách mạng và thân nhân, qua đó cho thấy, mỗi năm ngân sách tỉnh đã chi thêm trên 1 tỷ đồng cho công tác chăm sóc sức khỏe NCC, đó là một nỗ lực hết sức lớn của Đảng bộ và chính quyền An Giang trong điều kiện ngân sách còn khó khăn và so với các tỉnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thì chỉ có An Giang thực hiện chi thêm từ ngân sách địa phương cho công tác này và so sánh với mức chi 2.220.000 đồng/người/năm thì ngân sách tỉnh đã chi thêm 35,14% trên tổng số tiền điều dưỡng 01 người/1lần từ ngân sách trung ương.

- Về chi tiền quà Tết: Vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định trợ cấp Tết đối với trên 31 ngàn NCC với cách mạng và thân nhân với số tiền khoảng 25 tỷ đồng/năm từ ngân sách địa phương. Mức quà tết cũng được lãnh đạo tỉnh xem xét tăng theo từng năm (năm 2018 là 600.000 đồng, năm 2019 tăng lên 700.000 đồng, năm 2021 tăng lên 800.000 đồng) bình quân mỗi năm tăng 100.000đồng/người. Song song đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chủ trương cùng các địa phương tổ chức họp mặt tuyên dương các gia đình chính sách tiêu biểu; đi thăm tặng quà trên 1.000 thương binh, bệnh binh, Mẹ VNAH, Anh hùng LLVTND, gia đình chính sách với kinh phí bình quân trên 11 tỷ đồng/năm.

- Về tu bổ, nâng cấp các Nghĩa trang liệt sĩ: Công tác quản lý 08 nghĩa trang liệt sĩ với trên 14.300 mộ liệt sĩ luôn được quan tâm đầu tư nâng cấp, tu bổ, tôn tạo ngày càng khang trang, sạch đẹp, các phần mộ liệt sĩ trong các nghĩa trang được chăm sóc, bảo quản chu đáo. Hằng năm ngân sách tỉnh cũng bố trí từ 600 triệu đồng đến trên 900 trăm triệu đồng để phục vụ cho việc xây hộc mộ, làm hàng rào, trồng và chăm sóc cây kiểng, quét vôi, làm cỏ, ...

- Bên cạnh việc thực hiện đúng, đủ các chế độ ưu đãi của Nhà nước, An Giang cũng đã làm tốt công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và NCC trên địa bàn tỉnh theo hướng xã hội hóa ngày càng phát triển sâu rộng, đạt được nhiều kết quả thiết thực, huy động được mọi tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế, các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị, xã hội tham gia, thể hiện trong việc thực hiện chính sách ưu tiên trong học nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ vay vốn sản xuất, cất và sửa nhà, nhận phụng dưỡng Mẹ VNAH, … nhằm đạt mục tiêu chung là đảm bảo mức sống của NCC với cách mạng bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2021-2025, tháng 2 năm 2021 Sở Lao động-Thương binh và Xã hội trình UBND tỉnh chủ trương khảo sát mức sống NCC với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trong tỉnh An Giang với mong muốn xác định chính xác thông tin, số liệu thực tế làm cơ sở xây dựng kế hoạch, hoạch định chủ trương tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Thương binh-Liệt sĩ, kịp thời hỗ trợ hộ NCC gặp khó khăn hoặc có mức sống trung bình thấp.

Nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả các quy định của Trung ương về công tác chăm lo cho các gia đình có công với cách mạng như Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 14/12/2006 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thương binh, liệt sĩ, NCC và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NCC với cách mạng, trong đó có nội dung chỉ đạo “Phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình NCC với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú”; tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/05/2016 của Bộ Chính trị vận dụng vào công tác chăm lo cho thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng; đặc biệt là triển khai thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công cách mạng vừa ban hành ngày 09/12/2020. Đảng bộ, chính quyền An Giang tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các nội dung, giải pháp sau :

- Tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thương binh liệt sĩ, chăm lo tốt hơn nữa thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, đây vừa là đạo lý vừa là bổn phận, trách nhiệm và tình thương yêu đồng chí, đồng bào của mỗi người Việt Nam chúng ta.

- Tập trung cao độ nguồn lực, vật lực, trí lực cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở để hoàn thành khảo sát mức sống hộ gia đình NCC với cách mạng và thân nhân liệt sĩ đang sinh sống tại tỉnh An Giang trong tháng 7 năm 2021 nhằm đánh giá toàn diện việc thực hiện chính sách ưu đãi NCC làm cơ sở đề xuất Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong điều kiện địa phương ban hành chủ trương chính sách phù hợp, đồng thời kiến nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất Chính phủ có giải pháp lâu dài nhằm nâng cao mức sống NCC theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.

- Tích cực triển khai đồng bộ, thống nhất và kịp thời tất cả chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng. Tăng cường kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm về thủ tục hồ sơ và hưởng chế độ; kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác ưu đãi NCC, có đủ khả năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện tốt nhất đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với gia đình có công với cách mạng.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về chủ trương, chính sách, pháp luật đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, về truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, đạo lý “đền ơn đáp nghĩa”, xã hội hóa công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và NCC với cách mạng ngày càng sâu rộng, hiệu quả như: vận động đóng góp “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm; chăm sóc, giúp đỡ thương, bệnh binh nặng, bố mẹ liệt sĩ già yếu, cô đơn, phụng dưỡng Bà mẹ VNAH, ưu tiên đào tạo và tạo việc làm đối với con thương binh, bệnh binh, con liệt sĩ và NCC với cách mạng.

- Tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn đọng trong công tác ưu đãi NCC, hoàn thành cơ bản công tác xác nhận thương binh, liệt sĩ và một số đối tượng khác; thực hiện tốt Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin trên địa bàn tỉnh An Giang. Kiến nghị, đề xuất Trung ương xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên và tạo điều kiện để các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, NCC với cách mạng tích cực tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất kinh doanh; góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của chính thương-bệnh binh, gia đình liệt sĩ, NCC với cách mạng.

- Phát động phong trào, kịp thời đưa tin gương người tốt việc tốt của thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng để lan tỏa, nhân rộng, tạo động lực để chính mỗi gia đình có công với cách mạng vươn lên khá giàu, phát huy ý chí, tinh thần kiên định, vững vàng cùng với Đảng, Nhà nước phát triển tỉnh nhà ngày thêm giàu mạnh để thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “thương binh tàn nhưng không phế”.

Tóm lại như ý kiến đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết đăng các báo ngày 16.5.2021 nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021) và bầu cử ĐBQH khoá XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 là: “Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển.

Điều đó có nghĩa là: không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không "hy sinh" tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trái lại, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xoá đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Tài liệu tham khảo:

- Báo cáo tổng kết 05 năm thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (2016-2020).

- Báo cáo công tác phong trào chăm sóc người có công với cách mạng hàng năm.

- Báo cáo thực hiện tặng quà tết của Chủ tịch UBND tỉnh hàng năm.

- Báo cáo Tổng kết công tác cất, sửa nhà theo Quyết định 22/2013.

- Hồ Chí Minh với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.

- Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 14/12/2006 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

- Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

- Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

- Tạp chí Lao động xã hội.

 


Các tin đã đưa