|

Hoạt động ngành

Triển khai thực hiện Chương trình phát triển công tác xã hội tỉnh An Giang giai đoạn 2021 – 2025

Ngày 24 tháng 3 năm 2021, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Quyết định số 588/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển công tác xã hội tỉnh An Giang giai đoạn 2021 – 2025.

Mục tiêu chung của Kế hoạch nhằm tiếp tục đẩy mạnh phát triển công tác xã hội tại các ngành, các cấp, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đảm bảo nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ công tác xã hội trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ công tác xã hội của người dân, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả.

Giai đoạn 2021- 2025, phấn đấu đạt 60% số cơ quan, tổ chức, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, trại giam, trường giáo dưỡng, các cơ quan tư pháp, trường học, bệnh viện, xã, phường, thị trấn và đơn vị liên quan thực hiện phân công, bố trí nhân sự làm công tác xã hội, trong đó, có ít nhất từ 01 đến 02 cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên công tác xã hội thuộc chức danh chuyên trách, không chuyên trách hoặc cộng tác viên công tác xã hội với mức phụ cấp hàng tháng tối thiểu bằng mức lương cơ bản do Chính phủ quy định. 

Có ít nhất có 30% số cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đang làm việctại các xã, phường, thị trấn, các cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội, trại giam, trường giáo dưỡng, hệ thống tư pháp, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội các cấp được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng công tác xã hội. 

Phấn đấu đạt cơ cấu tối thiểu 50% số cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và cơ sở liên quan khác trong quy hoạch có cung cấp dịch vụ công tác xã hội; tỷ lệ người có hoàn cảnh khó khăn được tư vấn, hỗ trợ công tác xã hội năm 2025 tăng 20% so với năm 2020.

Bảo đảm ít nhất 85% trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh được trợ giúp xã hội và được cung cấp dịch vụ công tác xã hội phù hợp từ nhiều nguồn lực khác nhau.

Kế hoạch cũng đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện về công tác chỉ đạo về quản lý nhà nước đối với phát triển công tác xã hội phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; Phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội; Rà soát, sắp xếp phân công cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, cộng tác viên làm công tác xã hội; Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội; Tuyên truyền, thông tin nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về công tác xã hội; tổ chức tiếp nhận, khai thác, quản lý cơ sở dữ liệu về phát triển nghề công tác xã hội...

Sở Lao động - Thương và Xã hội được giao chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức triển khai Kế hoạch này; xây dựng và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch thực hiện hàng năm; theo dõi, tổng hợp và định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Phối hợp với Sở Nội vụ và các sở, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo hoạt động xây dựng mạng lưới tổ chức cung cấp các dịch vụ công tác xã hội và mạng lưới nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội; các chế độ phụ cấp đặc thù khác đối với công chức, viên chức làm công tác xã hội phù hợp với đặc thù nghề nghiệp, bảo đảm tương quan giữa các ngành, nghề theo quy định và hướng dẫn của trung ương; đồng thời phối hợp với sở, ngành, cơ quan liên quan nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội; quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đào tạo về công tác xã hội; giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình.