|

Đảng - Đoàn thể

Nghị quyết về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững của Chính phủ

Ngày 29 tháng 6 năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2021, đồng thời ban hành Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2021 về phiên họp triển khai công việc của Chính phủ sau khi được kiện toàn tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV và nhiều Nghị quyết, văn bản để chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện. Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình KTXH những tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực, vừa phòng chống đại dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển KTXH và tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, được nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, những tháng vừa qua, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, nhất là tại các nước trong khu vực; trong nước, các đợt dịch bùng phát đã tác động, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2021. Tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm chưa đạt mục tiêu đra; giải ngân vốn đầu tư công chậm; cán cân thương mại có xu hướng chuyển sang nhập siêu; áp lực lạm phát gia tăng; sản xuất kinh doanh trong nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng; đời sống của một bộ phận người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là ở vùng dịch bệnh và người lao động tại các khu công nghiệp có dịch...

Theo đó, Nghị quyết đã nêu ra 8 quan điểm, định hướng cơ bản nhất để phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 và đưa ra 5 mục tiêu, cụ thể: (1) Phấn đấu quyết liệt để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu trong Nghị quyết số 124/2020/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. (2) Tập trung kiểm soát, đẩy lùi dịch Covid-19, phấn đấu hoàn thành tiêm chủng đạt miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất có thể. (3) Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phát triển xuất nhập khẩu, hướng đến cán cân thương mại hài hòa, bền vững. (4) Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 95%-100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm; trong đó đến hết quý III năm 2021 giải ngân đạt tối thiểu 60% kế hoạch. (5) Giữ vững ổn định chính trị xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; chủ động hội nhập quốc tế toàn diện sâu rộng; gìn giữ môi trường hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh, bền vững.

Nghị quyết đã nêu 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung quán triệt ngay và triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả, cụ thể: (1) Tập trung cao độ phòng, chống dịch Covid-19, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển KTXH. (2) Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn. (3) Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính, chuyển đổi số. (4) Rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách. (5) Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. (6) Thúc đẩy xuất nhập khẩu, phát triển thương mại hài hòa, bền vững. (7) Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. (8) Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền. (9) Củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho phát triển đất nước.

Đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19, Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao: Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, phương châm “5K + vắc-xin” và tăng cường ứng dụng công nghệ. Kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công dịch bệnh, lấy phòng ngừa là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, tấn công là chủ động, đột phá. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhưng cũng không được hoang mang, mất bình tĩnh, thiếu bản lĩnh. Rà soát các phương án phòng, chống dịch, rút kinh nghiệm thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh, có kế hoạch cụ thể để chủ động phòng, chống dịch hiệu quả, nhất là tại các khu công nghiệp, khu đông dân cư, chợ đầu mối thích nghi với dịch bệnh trong mọi tình huống…

Đối với việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, Chính phủ chỉ đạo: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương trình Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Đẩy mạnh kết nối cung cầu thị trường lao động, bảo đảm không thiếu hụt lao động khi nền kinh tế phục hồi; nghiên cứu, có giải pháp hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại lao động để chuẩn bị cho thời kỳ phục hồi và yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao. Các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao: Bảo đảm lưu thông hàng hóa, thúc đẩy xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông sản và đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên thị trường trong nước; tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, chế biến, bảo quản nông sản, sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, duy trì doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh, những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư, để góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Các địa phương chủ động xây dựng các phương án duy trì sản xuất kinh doanh, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để phục hồi sau khi dịch bệnh được kiểm soát; phối hợp chặt chẽ các bộ, cơ quan trung ương triển khai tiêm vắc-xin; xây dựng phương án và bố trí chỗ ở, thực hiện cách ly, giãn cách phù hợp cho chuyên gia, người lao động để bảo vệ, duy trì sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông vận tải theo chức năng, nhiệm vụ được giao: nghiên cứu, đề xuất, khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững.


Các tin đã đưa