|

Phòng chống tệ nạn xã hội

Quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội

Ngành đã hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình về phòng, chống mại dâm; cai nghiện và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện ma túy; tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 03/2019/QĐ-UBND ngày 17/01/2019 về việc Quy định chế độ thù lao đối với thành viên của Đội công tác xã hội tình nguyện tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh An Giang và Quyết định số 05/2019/QĐ-UBND ngày 27/02/2019 ban hành Quy chế phối hợp lập hồ sơ người nghiện ma túy đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trên địa bàn tỉnh An Giang; phê duyệt kế hoạch hoạt động Đội kiểm tra liên ngành 178 của tỉnh năm 2019. Thực hiện các đợt cao điểm Tháng hành động phòng, chống ma tuý và ngày thế giới phòng, chống ma tuý 26/6; “Ngày toàn dân phòng chống mua bán người”...

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về công tác phòng, chống ma túy, HIV/AIDS, mại dâm và mua bán người với các nội dung và hình thức phong phú nhằm nâng cao ý thức người dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội tại địa bàn. Tổ chức 46 buổi truyền thông với 6.025 người tham dự; cấp phát 1.000 tập sách mỏng; 1.300 tờ rơi, 130 quyển sổ tay... Thường xuyên phối hợp các ngành chức năng thống kê, cập nhật danh sách cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm và số lao động nữ làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm để theo dõi, quản lý theo quy định. Phối hợp với Uỷ ban Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh tích cực hướng dẫn các địa phương tăng cường quản lý và thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ đối tượng bán dâm, đối tượng là nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng. Phối hợp với Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh) tiếp nhận 04 nạn nhân bị mua bán từ Campuchia trở về (trong đó: 03 nạn nhân thường trú tại An Giang và 01 nạn nhân ở Cà Mau). Cùng với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang tiếp tục thực hiện hỗ trợ gói thiết yếu ban đầu cho nạn nhân bị mua bán (gói RISE) do tổ chức Vòng Tay Thái Bình tài trợ.

Quan tâm công tác quản lý, tiếp nhận chữa trị và giáo dục lao động cho các đối tượng. Tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy của các địa phương, đơn vị. Chủ động cùng với Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh, tổ chức đối thoại với các địa phương, gia đình và học viên cai nghiện nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy công tác quản lý và tổ chức cai nghiện đạt hiệu quả hơn. Trong năm 2019, Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh đã tiếp nhận, quản lý, cai nghiện 2.398 người nghiện ma túy (tăng 469 đối tượng). Hiện, Cơ sở đang quản lý 943 người nghiện (36 nữ).

Tuy công tác phòng chống mại dâm, cai nghiện phục hồi và phòng chống buôn bán người đã có chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn tồn tại một số khó khăn vướng mắc. Công tác phòng, chống mại dâm tuy không hình thành những điểm nóng phức tạp, nhưng tình hình hoạt động mại dâm trá hình ngày càng nhiều, khó phát hiện. Phương thức hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi thông qua việc sử dụng công nghệ như: mạng internet, mạng xã hội (zalo, facebook...) và điện thoại di động để hoạt động nhằm qua mặt, đối phó với cơ quan chức năng. Chế tài xử lý chỉ dừng lại ở mức xử lý vi phạm hình chính nên chưa đủ sức răn đe các đối tượng; số đối tượng có hồ sơ quản lý còn ít so với thực tế. Công tác phòng, chống ma túy được tăng cường nhưng tình hình mua bán, sử dụng chất ma túy trái phép có chiều hướng tăng cao, số lượng đối tượng điều tra thấp hơn nhiều so với thực tế. Vẫn còn một số địa phương chưa thật quan tâm phối hợp trong việc thực hiện biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đối tượng quản lý tại Cơ sở quá thời gian quy định còn nhiều. Công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn (do thiếu thể chế). Số người cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng thấp. Công tác phối hợp quản lý và giáo dục đối tượng tại gia đình và cộng đồng hiệu quả còn hạn chế.

Mục tiêu năm 2020, Ngành sẽ ngăn chặn không để phát sinh mới và tiếp tục làm giảm các tụ điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm, ma tuý. Củng cố, duy trì và xây dựng mới 39 xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm. Phấn đấu năm 2020, 100% số người bán dâm phát hiện được cập nhật hồ sơ theo dõi, quản lý tại địa phương được hỗ trợ vốn, dạy nghề, giới thiệu việc làm, ổn định cuộc sống tại cộng đồng; 100% số người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định được lập hồ sơ quản lý và áp dụng các biện pháp, hình thức điều trị, cai nghiện, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý phù hợp; 100% số người sau cai nghiện trở về địa phương được lập hồ sơ để quản lý, dạy nghề, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng. Đảm bảo 100% nạn nhân bị mua bán trở về được hỗ trợ, được cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý và đảm bảo cơ sở vật chất cho việc tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó Ngành sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 577/QĐ-UBND ngày 09/4/2015 của UBND tỉnh. Tập trung thúc đẩy công tác quản lý và cai nghiện tại công đồng và gia đình. Phát triển hoàn thiện tổ chức bộ máy và hoạt động của cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh theo mô hình hoạt động đa chức năng.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức về phòng, chống, cai nghiện và giải quyết các vần đề xã hội sau cai nghiện ma túy với các hình thức phong phú, nội dung phù hợp với khu vực, nhóm đối tượng, thông qua các phương tiện truyền thông, đặc biệt chú ý đến xu hướng và tác hại của ma túy tổng hợp, chất hướng thần và các loại ma túy mới. Nhân rộng các mô hình cai nghiện và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện ma túy có hiệu quả, lồng ghép với công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật và phát triển kinh tế xã hội khác.

Bên cạnh đó, Ngành sẽ thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện phục hồi, quản lý sau cai và phòng, chống tệ nạn mại dâm, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Thực hiện tốt Chỉ thị 25/CT-TTg ngày 01/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy trong tình hình mới. Tiếp tục phối hợp làm tốt việc phát hiện, lập hồ sơ quản lý người nghiện ma túy. Đa dạng hóa hoạt động hỗ trợ điều trị.

Phát triển mạng lưới cơ sở điều trị thay thế và các dịch vụ điều trị nghiện. Tăng cường quản lý, tư vấn, trợ giúp người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng và phòng, chống tái nghiện. Xây dựng và phát triển các mô hình thí điểm để từng bước hình thành hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ, tư vấn tâm lý, pháp lý, sức khỏe và phòng chống HIV/AIDS cho người bán dâm tại cộng đồng. Thực hiện tốt việc tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.