|

Người có công

An Giang góp ý xây dựng các Nghị định hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vừa tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo các Nghị định hướng dẫn Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 tại TP.Hồ Chí Minh, mời Sở LĐTBXH các tỉnh miền Nam tham dự và đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện Nghị định quy định chi tiết Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và Nghị định quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo các Nghị định hướng dẫn Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 tại TP.Hồ Chí Minh

Triển khai thực hiện Pháp lệnh số 02/2020/PL/UBTVQH14 ban hành ngày 09/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ưu đãi người có công cách mạng, có hiệu lực từ ngày 01/7/2021, gồm 07 chương , 58 điều quy định về đối tượng, phạm vi, điều kiện, tiêu chuẩn, các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ; nguồn lực thực hiện; quản lý nhà nước; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng.

Nhìn chung, các dự thảo Nghị định thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng đã bổ sung các nguyên tắc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh theo hướng nâng lên phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mới, tạo điều kiện để thực hiện tốt công tác chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thầnbảo đảm mức sống của người có công với cách mạng và thân nhân bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú theo tinh thần Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với người có công với cách mạng.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan phát biểu tại Hội nghị

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng đã chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng. Theo đó, các điều kiện, tiêu chuẩn đối với 12 diện đối tượng người có công với cách mạng đã được rà soát kỹ từ thực tiễn giải quyết trong nhiều năm qua để quy định trong Pháp lệnh năm 2020. Đặc biệt, Nghị định mở rộng đối tượng hưởng ưu đãi về chính sách bảo hiểm y tế đối với người đang hưởng chế độ của vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không còn điều kiện chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống; bổ sung diện được đề nghị cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” đối với người hy sinh thuộc các trường hợp quy định trong Pháp lệnh nhưng chưa được cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” mà thân nhân đã được giải quyết trợ cấp ưu đãi từ ngày 01/01/1995 đến ngày 30/9/2006; Chế độ ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm đối với người có công với cách mạng hoặc con của người có công, cụ thể là được ưu tiên trong học tập, tuyển dụng công chức, viên chức hoặc vào làm việc tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang theo quy chế của từng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị;....

Đại diện các Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố phía Nam, tham dự Hội nghị

Dự thảo Nghị định quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh phù hợp hơn, nâng cao chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân theo từng diện người có công với cách mạng gồm: Trợ cấp hàng tháng, phụ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần và chế độ ưu đãi khác như: Bảo hiểm y tế; Điều dưỡng phục hồi sức khỏe; Cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng; Chi thanh toán chi phí thẩm định cấp giấy giám định y khoa; Chi xác định danh tính hài cốt liệt sĩ; .... Việc quy định trợ cấp, phụ cấp, chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân theo Nghị định này được tính toán khoa học trên cơ sở mức chuẩn của người có công với cách mạng. Theo đó, khi mức chuẩn của người có công với cách mạng tăng lên từng thời điểm, thì chế độ trợ cấp, phụ cấp này cũng được linh hoạt điều chỉnh tăng theo, hợp lý, hợp tình.

Theo dự thảo Nghị định quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng này, một số chế độ tăng cao so với quy định cũ như: trợ cấp hàng tháng của Bà mẹ Việt Nam anh hùng (bằng 4 lần mức chuẩn không phụ thuộc số liệt sĩ); Trợ cấp một lần của người hoạt động kháng chiến tính theo thâm niên kháng chiến (0,3 lần mức chuẩn/thâm niên); Thờ cúng liệt sĩ bằng 0,5 lần mức chuẩn/năm; Trợ cấp một lần đối với người có công giúp đỡ cách mạng được tặng Huy chương Kháng chiến, Huân chương Kháng chiến (từ trần) bằng 1,5 lần mức chuẩn; Mức chi điều dưỡng phục hồi sức khỏe người có công với cách mạng (tại nhà bằng 01 lần mức chuẩn; tập trung bằng 02 lần mức chuẩn); ...

Góp ý xây dựng hoàn thiện đối với 02 dự thảo Nghị định trên, Sở LĐTBXH An Giang đề nghị Bộ LĐTBXH, các cơ quan soạn thảo định nghĩa các cụm từ trong Pháp lệnh; hướng dẫn bổ sung quy trình giải quyết hồ sơ người có công qua 03 cấp: xã, huyện, tỉnh theo hướng cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt đi lại của người có công và thân nhân và tăng cường thực hiện dịch vụ bưu chính công ích; quy định cụ thể điều kiện, thủ tục, trách nhiệm xem xét, giải quyết các chế độ ưu đãi người có công; quy định cụ thể về việc bổ sung, đính chính thông tin người có công với cách mạng và thân nhân; nêu rõ chế độ đối với người có công chết trước ngày nhận trợ cấp theo quy định; Nới rộng thời gian ủy quyền nhận trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng; Đề nghị xem xét lại việc quy định mức thuê chi trả chế độ ưu đãi người có công qua hệ thống bưu điện; Đặc biệt, Bộ có giải pháp bổ sung chính sách, nâng cao chế độ đối với người làm nhiệm vụ tại nghĩa trang liệt sĩ, công tác LĐTBXH cấp xã;....

Tại Hội nghị, nhiều đại diện của các Sở LĐTBXH cũng thống nhất ý kiến và kiến nghị Bộ LĐTBXH xem xét, điều chỉnh, bổ sung các nội dung đóng góp vào Nghị định trên cơ sở Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 và kinh nghiệm thực tiễn, tâm huyết, trách nhiệm trong công tác xác nhận, giải quyết các chế độ, chính sách theo pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng./.


Các tin đã đưa