|

Giáo dục nghề nghiệp

An Giang: Tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp đạt tỷ lệ 101% kế hoạch năm

Responsive image
 

Năm 2017, Ngành Lao động- TBXH đã tích cực phối hợp với các ngành, các cấp tổ chức thực hiện dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp”; trong đó chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Ngành đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đào tạo nghề và Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; triển khai danh mục đào tạo nghề, mức chi phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện; chính sách miễn giảm học phí học sinh, sinh viên. Đồng thời tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án “Sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh An Giang đến năm 2020” và “Đề án Đào tạo lao động có tay nghề đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp tỉnh An Giang giai đoạn 2017 - 2020”; Kế hoạch thực hiện công tác đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù. Tổ chức Hội thao học sinh, sinh viên học nghề nghiệp tỉnh An Giang lần thứ II - năm 2017 với 10 đơn vị tham gia. Kết quả Trường Cao đẳng nghề đạt giải nhất toàn đoàn.

Tiếp tục phát huy tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị trong công tác đào tạo nghề, chủ động tham mưu UBND tỉnh quyết định điều chuyển thiết bị đào tạo nghề đã được đầu tư nhưng khai thác sử dụng chưa hiệu quả. Tăng cường các giải pháp cải thiện chỉ số thành phần về đào tạo lao động và hỗ trợ doanh nghiệp, nhằm góp phần cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017, định hướng đến năm 2020. Phối hợp tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách về đào tạo nghề nghiệp; triển khai thực hiện có hiệu quả đào tạo nghề nghiệp theo đơn đặt hàng của các đơn vị sử dụng lao động.

Với các biện pháp triển khai tích cực, năm 2017 toàn tỉnh đã hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đào tạo nghề. Tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp 25.150 người, đạt tỷ lệ 101% kế hoạch năm (trong đó, đào tạo nghề cho lao động nông thôn 12.190 học viên, đạt tỷ lệ 101,58% kế hoạch năm; ký hợp đồng đào tạo nghề theo đơn đặt hàng với 06 công ty, tổ chức 36 lớp, 1.260 học viên). Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp được nâng lên, từ 38,8% năm 2016 lên 42,5% năm 2017, đạt chỉ tiêu nghị quyết HĐND tỉnh đề ra.

Kế hoạch năm 2018, Ngành tiếp tục đổi mới, nâng chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn đào tạo giáo dục nghề nghiệp với giải quyết việc làm cho người lao động. Tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp khoảng 25.000 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp lên 47,6%. Triển khai Đề án: “Sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh An Giang đến năm 2020”; thực hiện tốt và kịp thời các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, nhằm tạo điều kiện cho người lao động thuộc hộ nghèo, lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số, bộ đội phục viên xuất ngũ, người thuộc đối tượng chuyển đổi nghề, phụ nữ mất việc làm, lao động các xã đặc biệt khó khăn... có điều kiện tham gia học nghề; thực hiện có hiệu quả Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ; quan tâm triển khai thực hiện tốt cơ chế hỗ trợ dạy nghề theo đơn đặt hàng của người sử dụng lao động theo quyết định số 1593/QĐ-UBND của UBND tỉnh; Tranh thủ nguồn kinh phí đầu tư từ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình Mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm - ATLĐ để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, bảo đảm đủ điều kiện giảng dạy, nhằm từng bước nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu xã hội.

Bên cạnh đó, tích cực phối hợp đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn theo quy định để nâng cao năng lực, chất lượng giảng dạy; thường xuyên cập nhật, bổ sung các chương trình, giáo trình giảng dạy theo yêu cầu thị trường lao động, đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; Tăng cường và thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, việc làm, nhất là đào tạo nghề lao động nông thôn. Chủ động phát hiện chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót trong quá trình triển khai thực hiện ở các địa phương, đơn vị./.