|

Bảo Vệ Chăm Sóc Trẻ Em

Triển khai xây dựng mô hình “Ngôi nhà an toàn phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em” năm 2020

Năm 2019, toàn tỉnh đã duy trì mô hình điểm “Ngôi nhà an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em (theo 33 tiêu chí của Quyết định số 548/QĐ-LĐTBXH ngày 06 tháng 5 năm 2011 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tại 56/156 xã, phường, thị trấn. Dự kiến năm 2020 toàn tỉnh có 100% xã, phường, thị trấn triển khai mô hình Ngôi nhà an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em. Trong đó, mỗi huyện có ít nhất 01 xã, phường, thị trấn đạt 100% hộ gia đình có trẻ em đạt các tiêu chí Ngôi nhà an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em. Nhằm đạt được mục tiêu trên, Sở lao động – Thương binh và Xã hội An Giang đã hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo phòng Lao động – Thương binh và Xã hội và UBND các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện một số nội dung sau:

           - Củng cố Ban Điều hành hệ thống bảo vệ chăm sóc trẻ em và đội ngũ CTV cấp xã để triển khai việc thành lập mô hình tại địa phương. Đồng thời tổ chức khảo sát thực địa đánh giá thực trạng về tình hình tai nạn thương tích của địa phương, nắm được các nguy cơ gây tai nạn thương tích trẻ em tại gia đình và thu thập thông tin các hộ gia đình có trẻ em, hộ gia đình đạt, chưa đạt tiêu chí "Ngôi nhà an toàn cho trẻ em" theo Quyết định 548 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

           - Dựa trên kế hoạch khảo sát, cán bộ phụ trách công tác trẻ em xây dựng kế hoạch tham mưu UBND xã tổ chức triển khai thực hiện mô hình. Hỗ trợ cải tạo các nguy cơ về tai nạn thương tích trẻ em tại gia đình và cộng đồng chưa an toàn thông qua các hoạt động thăm hộ gia đình và tư vấn, hướng dẫn cho gia đình cải tạo nguy cơ gây tai nạn thương tích trẻ em tại gia đình như: làm hàng rào quanh nhà, các vật dụng chứa nước phải có nắp đậy, hướng dẫn mắc điện an toàn… Hướng dẫn cho các hộ gia đình có trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 6 tuổi mà ngôi nhà chưa an toàn ký cam kết thực hiện ngôi nhà an toàn. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần đẩy mạnh công tác truyền thông về "Ngôi nhà an toàn cho trẻ em" bằng nhiều hình thức như: Vãng gia, thăm hộ gia đình, tuyên truyền nhóm tại văn phòng khóm, ấp; sinh hoạt CLB, cấp phát tờ bướm, tờ rơi, treo panô…

          - Tổ chức họp giao ban cấp huyện, xã về tình hình thực hiện mô hình hàng quý, thường xuyên giám sát tại các hộ gia đình theo quy định về ngôi nhà an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em 01 tháng/lần. Cuối năm cấp xã sẽ tiến hành chấm điểm các hộ gia đình đã đăng ký thực hiện mô hình Ngôi nhà an toàn và lập danh sách để UBND xã để cấp giấy chứng nhận. Cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra việc cấp giấy chứng nhận thực hiện mô hình theo đúng quy định./.