|

Bảo trợ xã hội

Triển khai thực hiện tốt các chính sách xã hội và giảm nghèo bền vững

Năm 2019, Ngành Lao động- TBXH tiếp tục phát huy tốt vai trò thường trực Tổ tư vấn An sinh xã hội của Tỉnh. Tập trung tham mưu, hướng dẫn triển khai thực hiện tốt các chính sách xã hội và huy động được các nguồn lực thực hiện giảm nghèo bền vững...

Ngành đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND ban hành Nghị quyết về mức chi quà tặng chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi tròn 70, 75, 80, 85, 95 và trên 100 tuổi trên địa bàn tỉnh An Giang; Kiện toàn Tổ tư vấn về đảm bảo An sinh xã hội và Nhóm chuyên viên giúp việc Tổ tư vấn tỉnh An Giang giai đoạn 2016- 2020; triển khai Kế hoạch hỗ trợ xóa nghèo đối với hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tỉnh An Giang giai đoạn 2019-2020; Kế hoạch kiểm tra và giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững tỉnh An Giang giai đoạn 2019 – 2020; Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017-2020, và tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh An Giang; tổ chức các hoạt động “Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam”; triển khai thực hiện vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho các xã ngoài Chương trình 135...

Tổ chức và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, dự án chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh; các chính sách hỗ trợ về tín dụng, giáo dục, y tế... cho người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. Từ đầu năm đến nay đã giải ngân cho trên 29.857 hộ vay, với số tiền trên 796 tỷ đồng. Khám chữa bệnh cho người nghèo 7.087 lượt người, kinh phí trên 3,305 tỷ đồng; khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi 5.129 lượt trẻ, kinh phí trên 2,102 tỷ đồng. Hỗ trợ nhân rộng 17 mô hình giảm nghèo cho 408 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tham gia tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh với kinh phí trên 3,28 tỷ đồng. Hỗ trợ xây dựng 186 căn nhà ở cho hộ nghèo với kinh phí trên 10,5 tỷ đồng (trong đó: 176 hộ theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg và 10 căn nhà ở cho hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng từ nguồn tài trợ của Tổng công ty Điện lực Miền Nam); Trợ giúp xã hội trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 cho 153.564 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn và hộ có đối tượng bảo trợ xã hội sống tại cộng đồng, với tổng kinh phí thực hiện 61,786 tỷ đồng (trong đó 76.825 đối tượng bảo trợ xã hội sống tại cộng đồng, với tổng kinh phí thực hiện trên 30,730 tỷ đồng).

Đôn đốc, hướng dẫn, các địa phương thực hiện tốt công tác bảo trợ xã hội. Tổ chức thực hiện đầy đủ kịp thời cho trên 90.374 đối tượng hưởng chính sách BTXH (trẻ em mồ côi, người cao tuổi, người khuyết tật…) với kinh phí trên 443 tỷ đồng. Cứu trợ kịp thời cho 1.557  hộ gia đình bị thiệt hại rủi ro do hỏa hoạn, mưa giông, sạt lở..., kinh phí trên 22 tỷ đồng (gồm 40 hộ bị hỏa hoạn, 28 hộ phải di dời khẩn cấp do sạt lở bờ sông; 1.489 hộ bị ảnh hưởng dông lốc làm sập và tốc mái nhà) và 03 trẻ bị đuối nước; hỗ trợ 45 chiếc xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật. Ngoài ra, hỗ trợ kinh phí cho các huyện, thị xã, thành phố về thu gom lang, xin ăn tập trung vào cơ sở BTXH (kinh phí trên 34 triệu đồng); điều trị bệnh tâm thần cho các đối tượng tâm thần nặng có hoàn cảnh khó khăn (kinh phí gần 200 triệu đồng); hỗ trợ kinh phí 1.037 triệu đồng cho huyện, thị xã, thành phố tổ chức công tác chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi tròn 90 tuổi (1.542 cụ) và 100 tuổi (63 cụ). Tổ chức tốt việc chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội tập trung tại các trung tâm xã hội. Triển khai kế hoạch thu thập thông tin các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh; Đề án “Thành lập câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau tại xã hoàn thành tiêu chí Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh An Giang”.

Với sự quan tâm, nỗ lực và triển khai đồng bộ các giải pháp của các cấp, các ngành, công tác giảm nghèo và bảo trợ xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực. An sinh xã hội được đảm bảo. Đời sống người nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3,67% đầu năm 2018 xuống còn 2,63% cuối năm 2019, đạt chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra.

Tuy vậy, công tác đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế và chưa đáp ứng nhu cầu bức xúc của xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhưng tỷ lệ hộ cận  nghèo tăng. Nguồn đầu tư cho hộ nghèo, cận nghèo còn ít, phân tán, chưa tập trung. Một số người nghèo còn thụ động, còn trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng, chưa tìm hoặc không nắm bắt cơ hội để vươn lên thoát nghèo.

Để khắc phục những khó khăn trên, thời gian tới Ngành Lao động- TBXH sẽ chủ động tham mưu lồng ghép có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh với công tác giảm nghèo, an sinh xã hội. Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Quản lý, theo dõi tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội; Củng cố, mở rộng các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung các đối tượng yếu thế. Tổ chức thực hiện hiệu quả các Đề án tập trung đối tượng lang thang xin ăn; Đề án hỗ trợ người khuyết tật tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020; Đề án “Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2016-2020” tỉnh An Giang; Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2018-2020; Đề án “Thành lập Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau tại xã triển khai thực hiện hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020”; Đề án “Chi trả chính sách bảo trợ xã hội qua hệ thống bưu điện”.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động mọi người tham gia chương trình giảm nghèo gắn với đảm bảo ASXH, trong đó chú trọng việc tuyên truyền, giáo dục cho người nghèo, người cận nghèo, các đối tượng thụ hưởng chính sách ASXH về ý thức tự lực vươn lên, không trông chờ ỷ lại vào sự trợ giúp của xã hội và Nhà nước. Khuyến khích cộng đồng xã hội chia sẻ khó khăn cùng Nhà nước, quan tâm chăm lo cải thiện điều kiện vật chất và tinh thần cho các đối tượng xã hội cần trợ giúp.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách ASXH ở các địa phương nhằm đảm bảo việc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách cho các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, người nghèo được công khai, đầy đủ, kịp thời. Nâng cao hiệu quả quản lý và năng lực của đội ngũ cán bộ, cũng như trách nhiệm của các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện đảm bảo an sinh xã hội. Tích cực huy động nguồn lực thực hiện công tác an sinh xã hội.